Lãi suất huy động tăng trở lại và nỗi lo lãi suất cho vay 'đắt đỏ' hơn


Xu hướng tăng lãi suất huy động xuất hiện trở lại sau giai đoạn chững từ cuối tháng 9 và tháng 10, làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng trong tháng cuối năm để tăng thanh khoản cho các ngân hàng.

NHNN cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm.
NHNN cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm.

Tính từ đầu tháng 11 đến nay, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, ABBank, Techcombank, MB, VIB, VietBank, VietABank, IVB, BaoVietBank, Nam A Bank, GPBank, LPBank, HDBank. Trong đó, Agribank và VIB đã có 2 lần tăng lãi suất.

Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi quay trở lại

Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu xuất hiện và lan rộng kể từ nửa cuối tháng 4. Đà tăng này kéo dài liên tục đến tháng 8. Nhiều ngân hàng còn ghi nhận diễn biến tăng lãi suất đến 2 - 3 lần trong một tháng. Như trong tháng 6, có hơn 20 ngân hàng điều chỉnh lãi suất và hơn một nửa trong số đó tăng lãi suất tới 2 lần.

Kể từ tháng 9, đà tăng đã có dấu hiệu giảm khi chỉ còn 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Tình trạng này kéo dài đến hết tháng 10. Tuy nhiên, 3 tuần gần đây, "sóng" tăng lãi suất tiết kiệm lại bắt đầu có xu hướng quay trở lại khi đã có tới 13 nhà băng tăng lãi suất.

Đáng chú ý, sau 2 lần tăng lãi suất huy động áp dụng cho cả hình thức gửi tiền ở quầy và online trong tháng này, Agribank đang bỏ xa nhóm Big 4 về lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Như tại kỳ hạn 3-5 tháng, Agribank đang huy động ở mức 2,9%/năm, trong khi VietinBank và BIDV huy động ở mức 2,3%/năm và Vietcombank là 1,9%/năm.

Kỳ hạn 6-9 tháng, Agribank niêm yết ở mức 3,6%/năm, còn VietinBank và BIDV huy động ở mức 3,3%/năm, Vietcombank huy động ở mức 2,9%/năm.

Kỳ hạn 12-18 tháng Agribank niêm yết ở mức 4,8%/năm, VietinBank và BIDV niêm yết 4,7%/năm,  Vietcombank niêm yết 4,6%/năm.

Riêng kỳ hạn từ 24 tháng, VietinBank vẫn đang “vô đối” khi niêm yết lãi suất 5%/năm, trong khi Agribank và BIDV niêm yết 4,9%/năm, Vietcombank niêm yết 4,7%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngoài áp lực thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng mùa vụ cuối năm, việc tỷ giá nổi sóng gần đây được cho là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng đồng loạt tăng biểu lãi suất tiền gửi. Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo vẫn duy trì ở mức ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), trong tháng 10/2024, lãi suất huy động chững lại khi chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%/năm. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 11, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đầu vào với mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm. Xu hướng tăng này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9/2024 đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây được xem là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Lãi suất cho vay duy trì ổn định?

Mốc lãi suất 6% áp dụng cho kỳ hạn dài đã quay trở lại thị trường, như ABBank, IVB, BacABank, Saigonbank, SHB, OceanBank và DongA Bank…, làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay trở nên "đắt đỏ" trong thời gian tới.

Tuy vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm nhưng mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo vẫn duy trì ở mức ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.

Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, song mặt bằng chung vẫn đang nằm ở mức rất thấp. Hiện, ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay và khoảng 14 - 15% trong năm 2025. Chưa kể, với xu hướng giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nguồn vốn ở các ngân hàng đang được hỗ trợ thêm từ dòng vốn ngoại, qua đó giúp các ngân hàng duy trì chi phí vốn ổn định hơn trong thời gian tới.

Về lãi suất cho vay, ông Trần Hoài Nam khẳng định, với mức độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và chỉ số lạm phát như hiện nay, thì lãi suất cho vay đang hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp phát triển. Quan trọng là các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh tốt, thì chắc chắn sẽ có lợi nhuận.

Mặt bằng lãi suất ở các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ổn định, khi mới đây NHNN đã ban hành các quyết định về lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó quy định cụ thể mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng bằng VND là 0,5%/năm; tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%.

Trước đó, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực lên mặt bằng lãi suất; đồng thời nợ xấu đang là trở ngại khiến ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay.

Tuy vậy, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn