Lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm
Lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 tiếp tục duy trì ở vùng đáy, dao động trong biên độ hẹp và có xu hướng giảm hơn nữa.
Trong tuần trước (14/8 – 18/8), thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ổn định và trên kênh thị trường mở (OMO) không có hoạt động mới diễn ra. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều đặn chào thầu tổng cộng 15.000 tỷ đồng trên kênh kỳ hạn 7 ngày nhưng không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.
Về diễn biến lãi suất trên thị trường 2, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động trong biên độ hẹp (0,2%-0.3%) và chênh lệch với lãi suất USD duy trì ở mức giảm 500 điểm cơ bản. Áp lực về tỷ giá xuất hiện nhiều hơn vào đầu tuần nhưng hạ nhiệt phần nào về cuối tuần.
Trên thị trường 1, hiện mức lãi suất huy động phổ biến tại các ngân hàng thương mại đã về dưới 7%/năm, còn rất ít ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 7%/năm. Với kỳ hạn 1 tháng, hiện mức lãi suất huy động cao nhất vẫn là 4,75%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, không ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất trên 7%. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng hiện dao động từ 5% đến 6,8%/năm.
Trong Thông báo số 332/TP-VPCP về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 9/8 chỉ đạt 4,3% - tương đương với mức ghi nhận vào cuối tháng 7 và thấp hơn nhiều so với mức 4,7% vào cuối tháng 6. Trong khi đó, chỉ tiêu định hướng cả năm lên tới 14-15%.
Do vậy, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân là những mục tiêu chính mà Chính phủ chỉ đạo NHNN thực hiện trong những tháng còn lại của năm.
Bên cạnh đó, việc rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các Thông tư của NHNN cũng được nhấn mạnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo các cân đối vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống.
Mới đây, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Cụ thể, các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu 1,5-2 điểm % nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.