Lãi suất năm 2019 sẽ tăng hay giảm?
Xu thế tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong nước thời gian qua cùng với động thái điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là những yếu tố khiến mặt bằng lãi suất năm sau có thể vẫn ở mức cao.
Thanh khoản kém dồi dào trong nửa cuối năm 2018
Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm 2018. Lãi suất cho vay bình quân năm 2018 là khoảng 8,91%, năm 2017 là 8,86%. Lãi suất có xu hướng tăng chủ yếu do: kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại nguồn vốn nhằm bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong năm 2019 như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Hiệp ước Basel II.
Theo NFSC, thanh khoản của hệ thống TCTD kém dồi dào vào cuối năm nay song vẫn được bảo đảm. Nguồn vốn huy động toàn hệ thống ước tăng 14 - 15%, tương đương mức 14,6% của năm 2017. Tỷ lệ dư nợ so với tổng huy động (hệ số LDR) năm 2018 ở mức 87,5%, thấp hơn một chút so với con số 87,8% của năm ngoái.
Trong nửa đầu năm 2018, thanh khoản hệ thống TCTD khá dồi dào do được hỗ trợ từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2018, thanh khoản kém dồi dào hơn. Lãi suất qua đêm bình quân VND tăng từ mức khoảng 1,53% trong 6 tháng đầu năm lên mức khoảng 3% nửa cuối năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực từ phía tỷ giá và nhu cầu về vốn cuối năm tăng cao.
Bình luận về xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng trong những tháng cuối năm nay, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cho rằng, đây là một trong những “ẩn số” của kinh tế vĩ mô. “Khó có câu trả lời là xu hướng tăng lãi suất cuối năm này là mang tính thời vụ hay là dấu hiệu cho thấy lãi suất có thể lên mặt bằng mới trong năm sau. Mặt khác, xu hướng lãi suất của Việt Nam cũng chịu tác động đáng kể từ các động thái chính sách của Fed”, ông Thành phân tích.
Xem xét lãi suất từ khía cạnh lạm phát, ông Lê Đức Thuý, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, so với mức lạm phát cả năm dự kiến 4%, lãi suất huy động khoảng 6 - 7% hiện nay là cao và giúp người gửi tiền được hưởng lợi từ khoản chênh lệch khoảng 3%, đây là mức chênh lệch hầu như không có ở các nước khác.
“Với lãi suất cho vay khoảng 10% hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay khoảng 3%. Đây là mức chênh lệch vừa phải cho hoạt động của các ngân hàng trong nước, song chỉ đủ để trang trải chi phí huy động vốn và vẫn còn thấp nếu tính đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Biến động lãi suất năm 2018 cũng cho thấy sự cạnh tranh thu hút vốn huy động của các ngân hàng khá gay gắt. Mặt bằng lãi suất tiếp tục dâng cao” - ông Thúy nhấn mạnh.
Khó có thể hạ lãi suất
Dự báo về diễn biến lãi suất của năm sau, NFSC cho rằng, mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định do: áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều trước ảnh hưởng từ chính sách tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ; đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.
Bình luận về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành nói: “Nếu muốn ổn định tỷ giá thì khi lãi suất USD tăng, lãi suất tiền đồng phải tăng theo. Để dự báo được diễn biến lãi suất năm 2019, trước mắt phải đợi động thái của NHNN về việc có điều chỉnh lãi suất hay không, theo tôi, nếu có điều chỉnh cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Tại thị trường Việt Nam, chúng ta quan sát thấy, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là lãi suất của các kỳ hạn dài, đã tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn cũng phản ánh lãi suất cho vay đã tăng lên”.
Do đó, theo vị giảng viên của FUV, xu hướng lãi suất của Việt Nam trong năm 2019 sẽ phụ thuộc đáng kể vào động thái điều chỉnh lãi suất của Fed, và NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng bảo vệ giá trị VND, do đó, có thể năm 2019 lãi suất sẽ tiếp tục tăng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đức Thúy nhận định: “Lãi suất năm 2019 nhiều khả năng sẽ ở mức cao như cuối năm nay. Trường hợp lãi suất được kiềm giữ để không tăng thêm nữa là một thành công của công tác điều hành chính sách tiền tệ. Thực tế, khó có thể hạ lãi suất trong bối cảnh hiện nay, ngay cả khi kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%”.