Lãi suất ngân hàng năm 2024 sẽ ra sao?


Dự báo trong năm 2024, lãi suất huy động sẽ vẫn ở mức thấp, thúc đẩy giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí huy động vốn và gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp cũng như tổ chức phát hành trái phiếu.

So với cùng thời điểm năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 3% - 5%, lãi suất cho vay giảm 2% - 2,5%.
So với cùng thời điểm năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 3% - 5%, lãi suất cho vay giảm 2% - 2,5%.

Bà Bùi Thuý Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, NHNN sẽ điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Tín dụng tăng thêm 0,72% trong nửa tháng

Những ngày qua, các NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động, trong đó các NHTM nhà nước đã có bước giảm sâu ở tất cả các kỳ hạn (có kỳ hạn giảm đến 0,4%).

Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm tại Vietcombank đang thấp nhất thị trường: Kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,2%/năm; 3-5 tháng là 2,5%/năm; 6-11 tháng là 3,5%/năm, 12-18 tháng là 4,8%/năm.

Ở khối các NHTM cổ phần, hiện vẫn có một số ngân hàng như HDBank, SHB, MSB, VietBank, NCB, Kienlongbank, OCB, VietABank còn huy động ở mức lãi suất gần 6%/năm, nhưng áp dụng cho kỳ hạn trên 15 tháng và với khách hàng có số dư lớn. Trong khi đó, một số ngân hàng như ACB, Techcombank, Sacombank... đã đưa lãi suất huy động về ngang với các NHTM Nhà nước.

Nhìn chung, so với cùng thời điểm năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 3% - 5%. Đồng thời, lãi suất cho vay thời gian qua giảm mạnh trong bối cảnh cầu tín dụng thấp do nền kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân thấp, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, khiến các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Do đó, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng.

Theo số liệu mới được NHNN công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9/2023. Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục trong những tháng cuối năm, cùng với mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, vì thế tăng trưởng tín dụng cũng nhích dần.

Tại Diễn dàn Kinh tế Việt Nam 2024 vừa được tổ chức, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN cho biết, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022. So sánh với lần công bố gần nhất, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30/11 đạt 9,15% cho thấy gần nửa tháng qua, tín dụng đã tăng thêm 0,72%.

Như vậy, với định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14%, ngành ngân hàng còn dư địa tăng trưởng tín dụng tới 4,85% trong nửa tháng cuối cùng của năm 2023.

"Chúng tôi sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế", bà Hằng cho hay.

Tín dụng tăng tích cực trong năm 2024, lãi suất ổn định ở mức thấp

Từ những tín hiệu tích cực, các chuyên gia dự báo cầu tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm 2024, dẫn đến nguy cơ ngân hàng thiếu hụt thanh khoản nếu dòng tiền ra khỏi ngân hàng nhiều hơn chảy vào. Điều đó có thể buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại để hút vốn.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng trong bối cảnh vốn đầu tư cho nền kinh tế chủ yếu vẫn đặt nặng lên vai ngân hàng thì việc duy trì chính sách lãi suất thực dương là cần thiết để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, từ đó đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Do đó, lãi suất huy động khó có thể thấp hơn chỉ số CPI.

Tuy nhiên, với lãi suất cho vay, các chuyên gia nhận định sẽ duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa, thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp cũng là yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

VIS Rating vừa có báo cáo cập nhật triển vọng tín dụng năm 2024 với kỳ vọng lãi suất huy động sẽ vẫn ở mức thấp, thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn, giảm chi phí huy động vốn và giảm bớt gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp và tổ chức phát hành trái phiếu.

Trong báo cáo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV năm nay, Ngân hàng UOB đánh giá NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay bằng việc cắt giảm lãi suất. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6 đã hạ lãi suất tái cấp vốn tích lũy xuống còn 4,5%. Tuy nhiên, với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo đã giảm xuống. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

“Chúng tôi tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, rút lại dự báo cắt giảm 100 điểm cơ bản trước đó”, báo cáo của UOB nêu.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, các chuyên gia nhận định triển vọng tín dụng sẽ cải thiện trong suốt năm 2024, nhờ môi trường kinh doanh và nhu cầu trong nước được cải thiện, chi phí huy động vốn ở mức thấp và tỷ lệ chậm trả nợ gốc, lãi phát sinh mới giảm bớt.

Kết luận Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tổ chức tín dụng cần phải nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2023, lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn