Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng khoảng 3,5%/năm

Tuấn Thủy

Hiện lãi suất huy động hỳ hạn dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết ở mức 3,5%/năm, trong khi các ngân hàng có vốn nhà nước còn thấp hơn, khoảng 2,8%/năm.

Lãi suất huy động đều giảm ở các kỳ hạn ngắn, dưới 6 tháng. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại quốc doanh tiếp tục được điều chỉnh giảm 30 điểm cơ bản, cho các kỳ hạn dưới 6 tháng trong khi đó các kỳ hạn dài hơn không có sự thay đổi.

Tính đến hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhóm các ngân hàng thương mại quốc doanh vào khoảng 2,8%/năm - thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với giai đoạn thấp trước, năm 2021. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết ở mức cao hơn, 3,5%/năm và cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 2021. 

Thống kê lãi suất tiền gửi 12 tháng của một số ngân hàng. Nguồn: VNDirect
Thống kê lãi suất tiền gửi 12 tháng của một số ngân hàng. Nguồn: VNDirect

Bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 4,9%/năm sau khi BIDV và VietinBank đều giảm thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tại kỳ hạn 12 tháng.

Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, bình quân lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì không thay đổi nhiều so với cách đây một tuần, ở mức 5%/năm đối với nhóm ngân hàng tư nhân lớn và 5,3%/năm đối với nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ.

Cụ thể, ngày 19/12/2023, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng tư nhân lớn như: Techcombank là 4,75%/năm; MB là 4,9%/năm; ACB là 4,7%/năm; Sacombank là 5%/năm; VPBank là 5,3%/năm… Trong khi các ngân hàng còn lại có mức lãi suất cao hơn như: HDBank, KienlongBank, NCB, NamABank đều là 5,7%/năm. Các ngân hàng như LPBank, BAOVIET Bank, VietABank… là 5,6%/năm; BVB, MSB… là 5,5%/năm; TienphongBank 5,15%, VIB 5%...

Đối với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp 0,15%. Chênh lệch giữa lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm ở mức -500 điểm cơ bản. Thanh khoản trên thị trường 2 sôi động với khối lượng giao dịch ở kỳ hạn qua điểm ở mức trung bình khoảng 240 nghìn tỷ đồng/ngày, tăng nhẹ so với tuần trước và cho thấy sự phân bổ thanh khoản trên thị trường không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại. Tuần qua (11/12-15/12), kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) không thực hiện giao dịch mới.

Về tỷ giá USD/VND, tâm điểm của thị trường trong nước là có biến động trái chiều với thế giới. Lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) Mỹ và đồng USD đều giảm mạnh, trong đó lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã về dưới cùng 4% - thấp hơn 110 điểm cơ bản so với mức đỉnh vào tháng 10 năm nay và chỉ số DXY giảm tới 1,4% trong tuần qua. Ngược lại, trong nước, tỷ giá USD/VND tăng giá nhẹ.

Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 19/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 1 đồng, hiện ở mức: 23.883 đồng. Tương tự, tỷ giá niêm yết của Vietcombank quanh mức 24.410 – 24.480 đồng, tăng hơn 10 đồng so với tuần trước đó.

Ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do biến động trong biên độ hẹp ở 24.650 đồng, giảm 50 đồng so với tuần trước.

Trên thực tế, biến động của tỷ giá tự do còn chịu nhiều ảnh hưởng từ giá vàng (hiện đang tiến dần về mức đỉnh) và cung - cầu trên thị trường khiến cho mức giảm giá trên tỷ giá tự do bị hạn chế. NHNN cũng phát tín hiệu sẽ sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo hướng thị trường hơn và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.