Lãi suất sẽ phù hợp với diễn biến lạm phát

Theo Chinhphu.vn

Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để ngay trong tháng 12 này, phải lên phương án điều hành cụ thể về lãi suất.

Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo
Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo
Việc có giảm lãi suất trong thời gian tới hay không được báo chí quan tâm tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012 diễn ra hôm nay, 29/11.

Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, năm 2012, mức lạm phát có thể vào khoảng 7,5%. Và sang năm 2013, theo mục tiêu mà Chính phủ trình Quốc hội, thì lạm phát sẽ thấp hơn, tăng trưởng cao hơn. Như vậy, lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của lạm phát.

“Việc có quy định lãi suất trần huy động hay không, hay quy định lãi suất cơ bản, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để ngay trong tháng 12 này, phải lên phương án điều hành cụ thể. Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước là phải có phương án cụ thể để kéo lãi suất xuống cho sát tình hình diễn biến của lạm phát”.

Về vấn đề giải quyết nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, không thể chỉ sử dụng 1 hay 2 giải pháp mà cần sử dụng đồng bộ các giải pháp. Bởi nợ xấu liên quan đến nhiều vấn đề như hàng tồn kho, bất động sản…

Hiện mức lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở 10 - 13%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở 12 - 15%/năm. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) ước tăng 4,15% so với cuối năm 2011.

Các ngân hàng phải dùng nguồn lực của mình trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật để giải quyết từng khoản nợ xấu. Hiện các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được khoảng 75.000 tỷ đồng quỹ dự phòng rủi ro.

Một giải pháp nữa là giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Một thời gian dài, vì nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, các địa phương đều có nhu cầu rất bức thiết và đều huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, khối lượng công việc đã thi công cũng như kinh phí cần thiết cho các công trình này vượt mức cân đối của ngân sách địa phương, hiện con số này khoảng 90.000 tỷ đồng. “Khi tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản này, trả lại khoản này cho doanh nghiệp cũng là một giải pháp rất hữu hiệu giải quyết nợ xấu”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ đó, giải quyết nợ xấu nằm ở lĩnh vực này.

Về việc triển khai Chỉ thị vừa được Thủ tướng ban hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có vấn đề mua sắm công, đi công tác nước ngoài, Chính phủ sẽ theo dõi sát sao việc thực hiện.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc cử cán bộ đi nước ngoài học tập, công tác thường có quá trình chuẩn bị, có chương trình với đối tác, nên nếu dừng ngay thì có trường hợp ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác với đối tác. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm đối với những chương trình có thể dừng được. Với những chương trình chưa lên kế hoạch thì các địa phương, bộ, ngành khi xây dựng chương trình công tác năm phải nêu rõ kế hoạch công tác nước ngoài. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các Sở Tài chính để phối hợp các sở, ngành khi lập kế hoạch đi nước ngoài thì sẽ xem xét các khoản chi có theo đúng tinh thần của Chỉ thị hay không… “Tôi cũng rất mong báo chí và nhân dân cùng theo dõi, giám sát, nếu phát hiện nơi nào vi phạm thì thông báo để xem xét, xử lý thỏa đáng”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.