Bộ Tài chính cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế tư nhân bằng kế hoạch hành động

Thanh Hằng

Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 2260/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP và 139/NQ-CP của Chính phủ nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân.

Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, với mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi và tháo gỡ rào cản pháp lý đối với khu vực kinh tế tư nhân. Bộ Tài chính nhấn mạnh vai trò của từng đơn vị trực thuộc trong việc chủ động triển khai nhiệm vụ, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị hành động quyết liệt để đưa kinh tế tư nhân thành động lực phát triển đất nước.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị hành động quyết liệt để đưa kinh tế tư nhân thành động lực phát triển đất nước.

Một trong những nội dung trọng tâm là rà soát, sửa đổi và bổ sung hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý thuế, Luật phí và lệ phí, Luật Thống kê, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, xây dựng mới Luật Kinh doanh cá thể nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trong nền kinh tế.

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, Kế hoạch còn xác định 8 chỉ tiêu đánh giá định kỳ về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có số lượng doanh nghiệp, tỷ lệ đóng góp vào GDP, tăng trưởng bình quân, đóng góp ngân sách, việc làm và năng suất lao động. Các chỉ tiêu này do các đơn vị chuyên môn như Cục Thống kê, Cục Thuế, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân phối hợp thực hiện và báo cáo hằng năm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị nghiên cứu xây dựng chương trình trọng điểm như đào tạo 10.000 giám đốc điều hành doanh nghiệp và phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong. Đây là các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh và tính dẫn dắt của khu vực tư nhân trong chuỗi giá trị toàn cầu và nền kinh tế số.

Kế hoạch cũng đặc biệt chú trọng đến việc đơn giản hóa quy định kế toán, thuế, bảo hiểm cho doanh nghiệp siêu nhỏ, giúp giảm gánh nặng thủ tục hành chính. Các thông tư liên quan như Thông tư 88/2021, Thông tư 132/2018, Thông tư 133/2016 sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán hằng năm và khuyến khích huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác. Cục Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn cụ thể việc rà soát, đề xuất và phân bổ kinh phí phù hợp cho từng nhiệm vụ.

Văn phòng Bộ phối hợp với các đơn vị chức năng và cơ quan truyền thông để công khai kết quả thực hiện Kế hoạch; đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa chính sách trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các đơn vị phải báo cáo tiến độ định kỳ hằng tháng, đảm bảo kịp thời xử lý khó khăn phát sinh.

Bằng việc ban hành và triển khai đồng bộ Kế hoạch hành động này, Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm cùng Chính phủ đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2025 - 2030, với sự hỗ trợ từ thể chế, chính sách và nguồn lực phù hợp, khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng bền vững của đất nước.