Lãi suất thấp hơn sẽ kéo dài lâu hơn
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo ổn định tài chính toàn cầu số tháng 10 với tiêu đề “Thấp hơn trong thời gian lâu hơn” cho biết, hiện thị trường đang kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn so với dự kiến vào đầu năm nay.
Lãi suất thấp kéo dài và những hệ lụy
Báo cáo cho biết, trong 6 tháng qua thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dòng chảy và căng thẳng thương mại, cộng thêm nỗi lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế toàn cầu. Hoạt động kinh tế suy yếu và rủi ro gia tăng đã dẫn tới sự thay đổi về lập trường chính sách tiền tệ (CSTT) trên toàn cầu theo hướng ôn hòa hơn. Đi kèm theo đó là sự sụt giảm mạnh về lợi suất thị trường. Lượng trái phiếu có lợi suất âm đã tăng lên khoảng 15 nghìn tỷ USD. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư (NĐT) hiện kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn ở mức rất thấp trong thời gian dài hơn dự kiến vào đầu năm.
Lợi suất trái phiếu chính phủ thấp hơn đã góp phần nới lỏng các điều kiện tài chính toàn cầu so với 6 tháng trước, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và khu vực đồng euro. Theo IMF, mặc dù điều kiện tài chính dễ dàng hơn đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giúp ngăn chặn rủi ro suy giảm tăng trưởng trong tương lai gần, nhưng nó cũng khuyến khích chấp nhận rủi ro tài chính nhiều hơn và làm tích tụ các lỗ hổng tài chính trong một số lĩnh vực và quốc gia, từ đó gây ra rủi ro cho tăng trưởng trong trung hạn.
Báo cáo đã chỉ ra các lỗ hổng trong khu vực doanh nghiệp đã tăng lên ở một số nền kinh tế có vai trò quan trọng mang tính hệ thống do gánh nặng nợ tăng làm suy yếu năng lực trả nợ. Trong kịch bản suy thoái kinh tế xảy ra, rủi ro nợ xấu của công ty (nợ của các công ty không có khả năng trang trải chi phí lãi vay) có thể tăng lên 19 nghìn tỷ USD hoặc gần 40% tổng nợ doanh nghiệp tại các nền kinh tế lớn.
Lợi suất thấp hơn cũng buộc các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và các NĐT tổ chức khác tăng cường đầu tư vào chứng khoán rủi ro và ít thanh khoản hơn để tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn. Các NĐT này vô hình trung đã trở thành một nguồn tài trợ lớn hơn cho các công ty phi tài chính, từ đó tạo điều kiện cho gánh nặng nợ của công ty tăng lên. Nói cách khác, nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận của các NĐT tổ chức có thể khuếch đại các cú sốc trên thị trường...
Thêm vào đó, lãi suất thấp ở các nền kinh tế tiên tiến đã thúc đẩy dòng vốn đến các nền kinh tế mới nổi và cận biên, tạo điều kiện tích lũy thêm nợ nước ngoài. Việc tìm kiếm lợi nhuận trong một môi trường lãi suất thấp kéo dài đã dẫn đến việc hình thành bong bóng trên thị trường tài sản toàn cầu, làm tăng nguy cơ các điều kiện tài chính có khả năng bị điều chỉnh mạnh và đột ngột. Việc thắt chặt đột ngột như vậy sẽ gây ra những tổn thương đáng kể, đặc biệt là ở các quốc gia có lỗ hổng tài chính cao.
Ứng phó thế nào
Trong bối cảnh đó, IMF nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để bảo vệ sự ổn định tài chính thông qua các chính sách vĩ mô mạnh hơn và rộng hơn, và giải quyết các lỗ hổng tài chính của khu vực doanh nghiệp với sự giám sát chặt chẽ hơn. IMF cũng ủng hộ đề xuất tăng cường giám sát hoạt động của các NĐT tổ chức cũng như cần có khung khổ quản lý nợ có chủ quyền...
Cơ quan này cũng lưu ý rằng, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần phối hợp hài hòa chính sách tài khóa (CSTK), tiền tệ, tỷ giá và các chính sách vĩ mô khác. Đặc biệt việc đảm bảo khả năng phục hồi tài chính phải là một trong những ưu tiên hàng đầu tại các thị trường mới nổi và cận biên dễ bị tổn thương trước sự đảo ngược đột ngột của dòng vốn.
IMF kêu gọi các nền kinh tế đang phát triển có thu nhập thấp áp dụng các chính sách nhằm nâng cao tăng trưởng tiềm năng, cải thiện tài chính toàn diện và chống lại các thách thức cản trở tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030. Các ưu tiên bao gồm tăng cường khung CSTT và vĩ mô và giải quyết các lỗ hổng nợ.
IMF cũng nhấn mạnh sự cần thiết của CSTK phù hợp với tính bền vững của nợ và hướng tới các mục tiêu phát triển, quan trọng là thông qua xây dựng năng lực thuế và bảo vệ những đối tương yếu thế. Bên cạnh đó, sự bổ sung giữa doanh thu nội địa, hỗ trợ chính thức và tài chính tư nhân cũng là điều cần thiết để thành công; trong khi việc đầu tư nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa và khí hậu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông minh cũng rất quan trọng…
Tuy nhiên theo IMF, động lực chính của rủi ro giảm tốc của kinh tế toàn cầu là căng thẳng thương mại và những bất ổn chính sách. Vì vậy ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách là giải quyết tranh chấp thương mại, cung cấp sự rõ ràng về chính sách kinh tế và phát triển và triển khai các công cụ vĩ mô để giải quyết sự gia tăng của các lỗ hổng tài chính.