Làm gì để giữ thương hiệu quốc gia hậu thoái vốn doanh nghiệp nhà nước?

PV.

Nhiều ý kiến lo ngại sau khi thoái vốn, các doanh nghiệp nhà nước có tên tuổi của Việt Nam sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại nước ngoài và mất đi thương hiệu. Thực tế này đặt ra đòi hỏi cần có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia một số doanh nghiệp lớn sau khi bán vốn.

Khi thoái vốn khỏi các DN lớn như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội…, Nhà nước phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia. Nguồn: internet
Khi thoái vốn khỏi các DN lớn như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội…, Nhà nước phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia. Nguồn: internet

Làm gì để giữ thương hiệu sau thoái vốn?

Thời gian qua, một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn sau khi cổ phần hóa vẫn giữ được thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh như VietinBank, Vietcombank, Habeco, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau...

Tuy nhiên, hiện vẫn không ít lo ngại khả năng một số DNNN lớn sẽ bị mất thương hiệu khi rơi vào tay DN ngoại. Bởi trong quá khứ một số thương hiệu nội địa có tên tuổi một thời nay đã vĩnh viễn bị xóa tên hoặc bán mình cho chủ mới như bia Sông Hàn, kem đánh răng Dạ Lan…

Nhiều ý kiến cho rằng, khi thoái vốn khỏi các DN lớn như Vinamilk, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội…, Nhà nước phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia. GS. Nguyễn Quang Thái – chuyên gia kinh tế cho rằng một số DNNN sau cổ phần hóa đã phát triển mạnh thương hiệu nhưng cũng có DN sau cổ phần hóa, hiệu quả sản xuất, kinh doanh vẫn thấp, thậm chí bị thâu tóm thì giá trị thương hiệu sẽ mất dần.

Mới đây, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bán vốn Nhà nước tại DN, chiều 29/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu khi bán cổ phần tại các DNNN, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn.

Làm gì để bảo vệ?

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, vẫn có cách thức để Nhà nước có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật.

Cổ phần vàng được Chính phủ các nước châu Âu và Vương quốc Anh sử dụng phổ biến trong những năm 1970 và 1980 để Chính phủ vẫn có thể thực hiện một số chính sách vì lợi ích của công chúng sau khi đã tiến hành tư nhân hóa các công ty nhà nước.

Kinh nghiệm tại một số DN trên thế giới cho thấy phương thức sử dụng hình thức “cổ phần vàng” cần được tính đến bởi đây là những cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như về thương hiệu. Điều này đã có quy định và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo một số chuyên gia, “cổ phần vàng” là loại cổ phần thường được nắm giữ bởi Chính phủ trong các công ty nhà nước được cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Để có thể phát hành cổ phần vàng, trước hết Chính phủ phải thuyết phục các cổ đông khác sửa đổi điều lệ công ty và cho phép công ty phát hành cổ phần vàng. Ngoài ra, các công ty đó sẽ phải thực hiện thủ tục phát hành cổ phần riêng lẻ cho riêng cổ đông đại diện cho Chính phủ.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần tính đến phương án ưu tiên DN trong nước đủ tiềm lực tham gia vào các lĩnh vực quan trọng khi Nhà nước thoái vốn. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho các thương hiệu được thoái vốn mà còn có giá trị cộng hưởng cho cả nền sản xuất nội địa, củng cố sức mạnh cho nền kinh tế, tránh mất thương hiệu quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.