Làm gì để kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn

T.B

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, tình trạng môi trường không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn bị ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước tình trạng ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn đối với môi trường, xã hội và sức khỏe con người, cần làm gì để kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị?

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường
Ô nhiễm không khí ở Việt Nam tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường

Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn vừa qua, ô nhiễm không khí ở Việt Nam tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5), đặc biệt là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, ở một số KCN, một số khu vực khai thác khoáng sản và ở một số làng nghề. Ô nhiễm bụi có xu hướng tăng dần từ năm 2015-2019 (ô nhiễm nhất) và được giảm bớt vào năm 2020 do thực hiện gián cách vì đại dịch COVID-19.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm bụi (TSP, PM10, PM2.5) đang xảy ra ở nhiều đô thị nước ta, đặc biệt là các đô thị lớn. Thống kê cho thấy, giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc không khí tự động của TP. Hà Nội, giai đoạn 2018-2020 đều vượt trị số cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 - 2,2 lần, cao nhất xảy ra vào năm 2019. Trong khi đó, ở TP. Hồ Chí Minh và các đô thị khác ở miền Nam giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 khá ổn định, mức biến thiên của chúng không đáng kể.

Nhìn chung, chất lượng không khí về bụi ở các đô thị miền Trung và miền Nam đều tốt hơn so với các đô thị ở miền Bắc. Chất lượng môi trường không khí ở các đô thị ven biển đều tốt hơn so với các đô thị trong vùng đất liền. Bên cạnh đó, xét diễn biến trong ngày cho thấy, nồng độ bụi PM10, PM2.5 cực đại vào các giờ cao điểm giao thông và thấp nhất vào các giờ giữa trưa và ban đêm...

Theo các chuyên gia môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta trong nhiều năm qua liên tục trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm bụi và không khí tại các đô thị lớn cho thấy nhiều yếu kém và thách thức về quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới. Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới (các loại xe ô tô, đặc biệt là các loại xe buýt, xe tải, xe ô tô chạy dầu, và các loại mô tô, xe máy), cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (bao gồm cả về rò rỉ hơi xăng dầu); kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi (VOC), nhất là hơi xăng dầu ở đô thị; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, đi xe đạp; phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện; bảo tồn mặt nước, phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong thành phố...

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng ô nhiễm khói bụi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra nhiệm vụ tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.

Theo đó, sẽ lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí; Đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động ở các đô thị lớn; thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn (MRT), hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn. Tăng cường xây dựng, mở rộng diện tích công viên, cây xanh, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị và khu dân cư.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, rà soát, hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; từng bước nâng cao tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu. Thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo); xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các vi phạm trong quản lý, hoàn thiện tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng xăng dầu, chú trọng tiêu chuẩn dầu diesel; phát triển và ứng dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng đô thị; kiểm soát việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ở các vùng ven đô. Tăng cường kiểm soát các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất...; khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng...