Làm gì để phát triển kinh tế số ở Việt Nam?
Nắm bắt xu thế phát triển nền kinh tế số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp cho thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số và đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Trong những năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế…
Đến nay, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh; việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.
Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó,đặt mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Bên cạnh những cơ hội, thời cơ, phát triển kinh tế số thì Việt Nam cũng đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc như sau: Việc kết nối dữ liệu đang là bài toán khó đối với Việt Nam; Môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo; Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số - còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo...
Để vượt qua những khó khăn, thách thức trên, Việt Nam cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:
Thứ nhất, quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động tham gia, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thông minh, phát triển nền kinh tế số trong toàn hệ thống chính trị và doanh nghiệp.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi, phát triển trong nền kinh tế số. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự chuyển đổi sang thành các doanh nghiệp thông minh, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ kinh tế - xã hội đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế số. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử với hạ tầng công nghệ thông minh. Hình thành và vận hành một chính quyền điện tử đủ mạnh, thông suốt, thủ tục hành chính gọn nhẹ, nhanh chóng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xem là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Vì vậy, cùng với việc thay đổi chương trình đào tạo theo kịp các xu thế công nghệ mới, đẩy nhanh việc xã hội hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho khu vực doanh nghiệp để doanh nghiệp sớm tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số ở doanh nghiệp mình quản lý.