Làm gì để Việt Nam chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030?


Hơn 30 năm qua, với nhiều nỗ lực, công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam được đánh giá là điểm sáng quốc tế. Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Việt Nam đã được ghi nhận là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.
Việt Nam đã được ghi nhận là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

Ca nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được xác minh vào năm 1990. Tính từ đó đến nay, công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam chuyển qua nhiều giai đoạn. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 người không bị tử vong do AIDS.

Nếu như trước đây, đường lây truyền HIV/AIDS chủ yếu qua đường máu, qua nhóm nghiện, chích ma túy thì những năm gần đây, tỷ lệ lây qua quan hệ tình dục không an toàn đã tăng dần từ 65% lên hơn 82% vào năm 2022. Đặc biệt, tỉ lệ nam giới nhiễm tăng nhanh, trong đó phần lớn là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Tại Việt Nam, hiện đang có hơn 220.000 người nhiễm HIV. 2 năm qua, mỗi năm có hơn 13.000 trường hợp phát hiện mới. Trong đó, 50% là những người trẻ dưới 29 tuổi. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính đang được cảnh báo là đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay. Nhưng can thiệp cho nhóm này còn hạn chế do khó tiếp cận.

Theo kết quả khảo sát gần đây với nhóm thanh thiếu niên, chưa đến 50% có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV. 40% vẫn còn thái độ phân biệt đối xử với HIV. 14% có yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn. Vì vậy, đây là nhóm cần được quan tâm khi Việt Nam muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

 

 

34 năm qua, ngày 1/12 - Ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) là dịp để toàn cầu nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV.

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam đã được ghi nhận là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, không phải con đường nào cũng trải đầy hoa hồng. Công tác chiến đấu với căn bệnh từng là đại dịch này hiện vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục giảm 3 chỉ tiêu: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030. Tức là giảm đến 200 lần số ca nhiễm so với thời điểm hiện tại, từ 200.000 ca xuống còn 1.000 ca mỗi năm.

Việt Nam đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng trong công tác phòng chống HIV/ AIDS. 95% độ bao phủ bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân HIV/AIDS, gần 90% số người điều trị ARV được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế, và hơn 95% những người điều trị ARV đã đạt được tải lượng dưới ngưỡng ức chế.

Tuy vậy, theo ông Bakkali, quá trình chuyển đổi điều trị HIV sang nguồn bảo hiểm y tế vẫn còn một số phức tạp, đòi hỏi sự thích ứng và điều chỉnh của cả con người và hệ thống. Việt Nam cũng phải đối mặt với một số vấn đề mới nổi như việc sử dụng các loại ma túy mới tạo ra nguy cơ lây nhiễm HIV mới. Sự phối hợp đa ngành và môi trường chính sách thuận lợi hơn sẽ giúp Việt Nam củng cố vững chắc để tránh trường hợp dịch HIV tái bùng phát như đã thấy ở một vài quốc gia trong khu vực, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Theo vtv.vn