"Làm giá" cổ phiếu AAA: Vẫn chiêu thức kinh điển


Không có nhiều tin tốt nổi bật trên thị trường, nhưng hơn 1 tháng qua, cổ phiếu AAA (cổ phiếu của Công ty Nhựa An Phát) đã gây sự chú ý cho giới đầu tư, công ty chứng khoán và cả cơ quan chức năng. Liên tục tăng trần trong gần 1 tháng (từ giữa tháng 8 đến ngày 17/9) đưa cổ phiếu AAA từ giá 43.000 lên hơn 91.600 đồng/cổ phiếu, sau đó giảm 9 phiên (trong đó có 6 phiên giảm sàn), giá vào ngày 30/9 là 54.800 đồng/cổ phiếu.

Giới đầu tư nhận định hiện tượng cổ phiếu AAA không có gì mới, bởi vẫn là những chiêu thức làm giá kinh điển. Tuy nhiên, vụ làm giá này được đánh giá tương đối thành công bởi đã phá vỡ mọi kỷ lục về thanh khoản trên thị trường chứng khoán với 4,54 triệu cổ phiếu (gần 250 tỷ đồng, giá cổ phiếu AAA là 54.900 đồng/cổ phiếu) được chuyển nhượng trong phiên ngày 28/9 (tương đương 45,8% cổ phần công ty) tạo ra sự chú ý đặc biệt của các thành viên trên thị trường.

Đối tác nước ngoài mua, cổ đông lớn bán...

Hiện tượng tăng giá cổ phiếu AAA được xuất phát từ thông tin Công ty An Phát từ chối bán 25% cổ phần cho một đối tác chiến lược Nhật Bản (Maruzen Kanri Kaihattsu Co. Ltd) với giá 40.000 đồng/cổ phiếu vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông và Hội đồng quản trị đã hướng dẫn đối tác Nhật làm thủ tục chào mua công khai trên sàn với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sau đó, không có thông tin nào được công bố thêm về việc chào mua công khai của đối tác Nhật.Ngay sau đó, cổ đông lớn nhất của AAA là Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Sơn công bố bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu nắm giữ trong thời gian từ ngày 25/8 - 20/9. Việc cổ đông lớn nhất bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ (chiếm hơn 30%) mà giá AAA vẫn tăng liên tục là một hiện tượng lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian cổ đông này bán, cổ phiếu AAA luôn trong xu hướng tăng trần. Ngay sau 1 ngày kết thúc đợt bán của Tam Sơn, cổ phiếu AAA đã rơi vào trạng thái giảm sàn 6 phiên liên tiếp.Giới đầu tư cho rằng có hiện tượng này là do Hội đồng quản trị AAA đưa công ty lên sàn và cấu kết với "đội lái" để làm giá lan tràn khắp thị trường. Chiêu thức làm giá cũng rất kinh điển. Cụ thể, các nhà đầu tư này đã dùng các biện pháp kỹ thuật đẩy giá AAA tăng lên trên 100% trong thời gian rất ngắn, tiếp đến là sử dụng dịch vụ margin (giao dịch ký quỹ) tại các công ty chứng khoán có tỷ lệ ký quỹ cao để mua lại khối lượng lớn cổ phiếu này với các mức giá gần đỉnh, rồi bỏ cọc luôn tại các tài khoản này. Giao dịch đó đã khiến một số công ty chứng khoán phải ôm một lượng lớn, khoảng hơn 3 triệu cổ phiếu AAA với mức giá ở khu vực đỉnh, và chỉ còn cách duy nhất là giải chấp cổ phiếu.

Điều này được minh chứng bởi nhiều công ty chứng khoán cho biết một số nhà đầu tư VIP của họ đã bị "cháy" bởi chính AAA. Khi giá giảm mạnh, những nhà đầu tư này bị "cháy" tài khoản (giá cổ phiếu giảm quá số tiền nhà đầu tư có) nhưng không chịu nộp tiền vào để "chữa cháy". Chính nguyên nhân ấy đã tạo nên sức ép giải chấp từ các công ty chứng khoán; và việc hàng loạt công ty chứng khoán xả hàng AAA để giải chấp dẫn tới giá tụt dốc không phanh.

Kiểu giải trình cũng... kinh điển

Áp lực giải chấp quá lớn khiến cổ phiếu AAA bị giảm sàn 6 phiên liên tiếp và HNX yêu cầu Công ty Nhựa An Phát phải có công văn giải trình. Tuy nhiên, kiểu giải trình của AAA cũng… kinh điển tới mức khiến nhà đầu tư thất vọng!

Theo công văn giải trình số 1029 của Công ty này, kết quả kiểm toán 6 tháng đầu năm 2010, tình hình hoạt động của công ty rất khả quan, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 29 tỷ đồng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như những thông tin liên quan đều được ban lãnh đạo cập nhật đầy đủ trên website của công ty. Nhựa An Phát không thực hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào có tác động tới việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Việc giá cổ phiếu giảm là do tình hình chung của thị trường, việc mua bán do nhu cầu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Cũng trong công văn giải trình do ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện, AAA đính chính về việc vừa qua, một số thông tin báo chí cho rằng Hội đồng quản trị Công ty Nhựa An Phát đã thực hiện bán 3,5 triệu cổ phiếu AAA gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.
Theo đó, AAA cho biết tại thời điểm làm hồ sơ xin phép niêm yết chứng khoán, Hội đồng quản trị công ty sở hữu 1.485.000 cổ phiếu, chiếm 15% vốn điều lệ. Số cổ phiếu này là cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng theo Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Thực hiện quy định này, Hội đồng quản trị Công ty Nhựa An Phát đã mở tài khoản chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài gòn (SSI) và chuyển số cổ phiếu trên vào tài khoản tại đây.

"Hội đồng quản trị công ty không xin phép giao dịch cũng như không có đủ số lượng 3,5 triệu cổ phiếu để giao dịch như các thông tin báo đài đã đưa. Hội đồng quản trị An Phát cam kết không thực hiện bất kỳ hoạt động nào tác động đến giá cổ phiếu AAA đang giao dịch. Việc biến động giá cả là do các yếu tố khách quan của thị trường tác động đến tâm lý nhà đầu tư mà An Phát không thể kiểm soát", công văn giải trình khẳng định.

Cùng với những thông tin giải trình của AAA và hiện tượng đồng loạt nhiều công ty chứng khoán có nhiều nhà đầu tư VIP bị "cháy" tài khoản cho thấy việc làm giá cổ phiếu AAA là có thực. Tuy nhiên, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng chưa thể khẳng định có sự thao túng hoặc có sự cấu kết để xả hàng hay không. Lý do là không thấy có ai đứng ra nói mình là "người bị hại", kể cả các công ty chứng khoán, mà đều là tin đồn bên ngoài.

Những biến động bất thường này được giới đầu tư nhận định là vẫn chưa chấm dứt, và điểm xuất phát mới đã được bắt đầu từ ngày 28/9, với hơn 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương 50% tổng khối lượng cổ phiếu đang được lưu hành của công ty, được sang tay. Khối lượng cổ phiếu khổng lồ này chỉ có nhà đầu tư tổ chức mới có đủ tiềm lực tài chính cũng như công cụ hỗ trợ cho việc làm giá cổ phiếu AAA, chứ nhà đầu tư cá nhân chắc chắn không đủ khả năng.

Công ty Nhựa An Phát có vốn điều lệ 99 tỷ đồng, lên sàn Hà Nội vào ngày 15/7/2010 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 48.700 đồng/cổ phiếu. Khi làm hồ sơ niêm yết, AAA có 101 cổ đông - vừa đủ con số để có thể trở thành công ty đại chúng và được lên sàn chứng khoán. Trong số các cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ, ngoại trừ cá nhân ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc - là chưa được quyền bán cổ phiếu, 4 cổ đông lớn còn lại (đều là tổ chức) đã bán gần như toàn bộ số cổ phiếu AAA mà họ sở hữu.

 

 

 

 

 

 Theo: KINH DOANH số 60, ra ngày 04/10/2010