Lạm phát lõi khu vực đồng Euro tiếp tục tăng trong bối cảnh lãi suất cao hơn
Lạm phát lõi đã tăng trở lại trong khu vực đồng Euro, một dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả chưa giảm bớt đối với khối tiền tệ chung châu Âu.
Lạm phát lõi - loại bỏ nhiên liệu và thực phẩm - đạt 5,4% trong tháng 6, tăng từ 5,3% trong tháng 5, trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng.
Các nhà kinh tế cho biết, các động lực của lạm phát lõi đang bắt đầu chậm lại. Tuy nhiên, công ty tư vấn Nomura cho biết, vẫn còn “rủi ro đáng kể” về việc sẽ không đạt được mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), làm dấy lên nỗi ám ảnh về việc tăng lãi suất hơn nữa.
Công ty tư vấn này cho biết, rủi ro xảy ra trong bối cảnh “mức tăng lương đáng kể”, cụ thể, trong quý I/2023, tiền lương cho mỗi nhân viên tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Jack Allen-Reynolds của Capital Economics cho biết: “Không có gì có thể ngăn cản ECB tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 7 tới. Ông cũng cho rằng có “cơ hội tốt cho một đợt tăng lãi suất khác” vào tháng 9.
Mặc dù lạm phát lõi tăng, nhưng lạm phát chung giảm từ 6,1% xuống 5,5%, mức thấp nhất kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Đầu tháng 6 vừa qua, ECB đã điều chỉnh dự báo lạm phát sau khi tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2001. Hiện, ECB dự đoán lạm phát trên toàn khu vực đồng Euro sẽ đạt 5,4% trong năm 2023, 3% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, lạm phát vẫn “quá cao trong thời gian quá dài” và cảnh báo tình hình như vậy sẽ tiếp tục “tồn tại” vào năm 2024.
Bà cho rằng: “Mặc dù hiện tại chúng ta không thấy vòng xoáy giá - lương hoặc sự phá vỡ các kỳ vọng, nhưng lạm phát duy trì trên mục tiêu càng lâu thì rủi ro càng lớn. Chúng ta cần đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2% một cách kịp thời.”
Chủ tịch ECB cũng kêu gọi các Chính phủ kiềm chế việc vay mượn và chi tiêu quá mức trong thời kỳ COVID này. Những hoạt động này đã bị đổ lỗi là thúc đẩy lạm phát gia tăng.
“Giờ là lúc các chính phủ cần rút lại các biện pháp triển khai để phòng ngừa, ngăn chặn COVID và vì các mục đích liên quan đến vấn đề năng lượng, đồng thời đi theo một con đường đưa đến sự bền vững tốt hơn của tài chính công,” bà nói.