Làm rõ hơn trách nhiệm của chủ thể để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí
Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Tại phiên thảo luận, có đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nêu rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân nào để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí để tăng thêm chất lượng của Báo cáo giám sát.
Chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây lãng phí
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhận định, việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng. Đồng thời, đánh giá cao quá trình làm việc khách quan, cụ thể và có kết quả rất thuyết phục của Đoàn giám sát, qua đó làm rõ được thực trạng việc thực hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tham gia thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, ĐBQH Trần Hữu Hậu (tỉnh Tây Ninh) cho biết, trong nhiều trường hợp, những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm còn lớn ảnh hưởng đến sự phát triển. Sự lãng phí hữu hình đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển.
Do vậy, đại biểu đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể, để không lãng phí trách nhiệm, lãng phí lòng tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của đất nước.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và các ý kiến ĐBQH đã phát biểu.
"Tình trạng lãng phí đã xảy ra trong một thời gian dài. Chuyên đề giám sát này sẽ giống như một liều thuốc kháng sinh cực mạnh, đặc trị để xử lý dứt điểm. Để xử lý thì cần chỉ rõ trách nhiệm của ai, cá nhân nào, tổ chức nào. Khi các chủ thể quyết định chủ trương dự án không ai muốn xảy ra lãng phí nhưng những cơ chế, công trình, dự án có yếu tố cá nhân, tư lợi và cố ý làm sai thì cần phải xử lý trách nhiệm của những người đưa ra chủ trương đó" – ĐBQH Trịnh Xuân An nhận định.
Đồng tình với các ý kiến về quy định rõ trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) cho biết, với tình hình hiện nay, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.
Đồng thời, đại biểu này cho rằng, qua giám sát đã bộc lộ nhiều lĩnh vực pháp luật cần hoàn thiện cả về luật hình thức và luật nội dung. Dó đó, các cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện pháp luật. Trong báo cáo của Đoàn giám sát đã phản ánh rất rõ nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung sai phạm là do văn bản pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa đồng bộ.
“Đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản dưới góc độ chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý. Đồng thời, tăng cường hơn nữa tính chủ động trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát ở địa phương, kiến nghị các giải pháp cũng như vướng mắc trong thực hiện pháp luật trên địa bàn, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật”. – ĐBQH Siu Hương cho hay.
Đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công
ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) bày tỏ thống nhất cao với báo cáo kết quả giám sát. Bày tỏ quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Phạm Thị Kiều cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn đó những tồn tại, hạn chế như nhận thức của người đứng đầu, công tác thống kê cập nhật biến động chưa kịp thời… Việc quản lý đất công nhà công chưa chặt chẽ để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức...
Bên cạnh đó, khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang gây lãng phí. Đặc biệt, cử tri cả nước hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Chỉ rõ những điều này, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để.
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ sự băn khoăn trước câu hỏi tại sao trong khu vực công, hiện tượng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn, trầm trọng hơn khu vực tư. Đây là vấn đề còn nhiều trăn trở.
Theo đại biểu, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song tại khu vực công còn rất nhiều thất thoát, lãng phí, từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ, hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, nhiều dự án bị xét xử hình sự; sử dụng kinh phí sự nghiệp còn thất thoát, lãng phí… Điều này đã được nêu rõ trong báo cáo và các phụ lục đã nêu chi tiết.
Nhất trí với những nguyên nhân và trách nhiệm của các tồn tại hạn chế đã được báo cáo, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể.
"Lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung. Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian, cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.