Làm rõ thông tin 90% mỹ phẩm giả ẩn danh dưới dạng hàng xách tay
Ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Văn bản số 8745/VPCP-V.I chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ảnh về hàng giả, hàng nhái để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm.
Mới đây, một số phương tiện truyền thông phản ánh thông tin từ đại diện các hãng mỹ phẩm cho rằng, tại thị trường Việt Nam, có tới 90% mỹ phẩm giả ẩn danh dưới dạng hàng xách tay và hàng giả, hàng nhái.
Cụ thể, bản tin kinh tế - xã hội ngày 12/10/2020 trích dẫn thông tin báo Tuổi trẻ Online (ngày 11/10/2020) phản ánh về việc Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ mỹ phẩm tiềm năng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo đại diện các hãng mỹ phẩm, có tới 90% mỹ phẩm ẩn danh dưới dạng hàng "xách tay" và hàng giả, hàng nhái rất nhiều. Mặt hàng này liên quan mật thiết đến sức khỏe con người.
Theo đại diện Công ty TNHH AB Beauty World, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ mỹ phẩm tiềm năng nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Nhiều giám đốc thương hiệu nổi tiếng đích thân bay sang Việt Nam và bị bất ngờ về độ phủ thương hiệu của họ, nhưng đáng tiếc 90% hàng xách tay trên thị trường lại đều là hàng giả, hàng nhái.
Trên thực tế, không chỉ mặt hàng mỹ phẩm mà còn rất nhiều mặt hàng dưới dạng hàng xách tay được phát hiện là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm diễn ra tràn lan, dẫn đến người tiêu dùng bị lừa, mua phải hàng lậu được gắn mác “hàng xách tay”.
Ông Lý Thành Công - Trưởng phòng Kỹ thuật bảo hành - chống giả, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Tây, đơn vị phân phối các sản phẩm CASIO chính hãng cho biết, Công ty đã mở cuộc rà soát, qua kết quả kiểm tra phát hiện những sản phẩm giả, nhái thương hiệu CASIO đều “núp bóng” dưới dạng hàng xách tay Nhật. Khi quảng cáo, người kinh doanh các sản phẩm CASIO giả sẽ dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng, nhưng lúc giao hàng lại là hàng nhái, không có nguồn gốc, chứng từ mà chính người mua cũng không thể phân biệt được.
Ông Lý Thành Công cho biết, hiện nay số lượng máy tính, đồng hồ CASIO giả tràn lan, được kinh doanh dưới nhiều hình thức tinh vi, nhưng chủ yếu “ẩn danh” dưới dạng hàng xách tay, có thể khẳng định có khoảng 90% sản phẩm nhái, giả núp bóng hàng xách tay. Các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ...
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả , trong 9 tháng năm 2020, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.190 vụ vi phạm pháp luật Hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.088 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh. Khi phát hiện sai phạm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định… của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.