Làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch điện lực
Quy hoạch phát triển điện lực là một trong 5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc nhiệm vụ do Bộ Công Thương phụ trách nhằm thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn. Nhưng đến nay, quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, chậm tiến độ so với quy định.
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Công Thương vừa diễn ra, Đoàn giám sát đặc biệt quan tâm đến Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 hay còn gọi là Quy hoạch điện 8.
Đoàn giám sát đề nghị làm rõ phương pháp lập; việc cập nhật kết quả điều chỉnh của quy hoạch thời kì trước và xử lý như thế nào khi xây dựng quy hoạch mới, có khắc phục được tình trạng điều chỉnh, bổ sung quá nhiều như trước đây không.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng Đoàn giám sát nêu vấn đề, đối với quy hoạch điện lực giai đoạn 2011-2020, có rất nhiều lần điều chỉnh quy hoạch điện, bổ sung các dự án điện.
Bộ Công thương cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch cục này không thay đổi quan điểm, mục tiêu, định hướng của quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đặt câu hỏi về tính chính xác của nhận định này.
Bởi như khi bổ sung các dự án điện nguồn tăng lên liệu có đồng bộ với hệ thống truyền tải không; ảnh hưởng đến đời sống người dân, phương án bảo vệ môi trường, phối hợp với các bộ ngành để đánh giá tác động khi điều chỉnh quy hoạch điện.
Liên quan đến việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh một số quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ của giai đoạn 2016-2020, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho rằng chưa thực sự phù hợp, chưa xin ý kiến các cơ quan có liên quan, công suất điều chỉnh vượt quá quy định được phê duyệt. Đây cũng là vấn đề Đoàn giám sát đề nghị có giải trình làm rõ thêm nhất là về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nhấn mạnh, việc lập Quy hoạch điện 8 là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Tại phiên giải trình về an ninh năng lượng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt ra vấn đề cần phải sớm hoàn thiện Quy hoạch điện 8 bởi nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế ngày càng tăng.
"Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0. Đây là nội dung cần phải được thể hiện trong Quy hoạch điện hướng tới phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và bền vững.
Đây cũng chính là nội dung được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, những nội dung yêu cầu này sẽ được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch điện 8", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặt vấn đề.
Một vấn đề khác cần được quan tâm là tình trạng nhiều địa phương xin bổ sung dự án điện vào quy hoạch, nhất là các địa phương có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời. Trong khi đó, thời gian qua, sự phát triển nóng của các dự án điện gió, điện mặt trời nhưng hệ thống truyền tải điện bị quá tải.
Bên cạnh việc xã hội hóa việc đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện còn cần những giải pháp nào để đồng bộ với quy hoạch và triển khai các dự án nguồn và lưới điện để không quá tải, không láng phí lượng điện sản xuất được.
Bộ Công Thương có nói khó khăn trong xây dựng quy hoạch năng lượng phải giải quyết rất nhiều vấn đề của các ngành khác. Điều này đặt vấn đề về cách tiếp cận, cách xây dựng quy hoạch năng lượng gắn với quy hoạch phát triển các ngành.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, quy hoạch năng lượng là quy hoạch mang tính định hướng và cân bằng, đánh giá tiềm năng, xu hướng; các nội dung liên quan đến than, dầu khí, năng lượng tái tạo... phải nằm trong quy hoạch phát triển ngành như vậy có nên điều chỉnh lại danh mục, khó có thể gộp chung trong một quy hoạch.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng đặt câu hỏi, trong Quy hoạch phát triển điện lực thì cơ cấu của năng lượng tái tạo trong hợp phần sản lượng điện được xác định như thế nào. Nếu như thực hiện cam kết tại COP-26 thì năng lượng điện tái tạo phải là ưu tiên, trong khi đó vẫn tăng phụ tải điện than trong quy hoạch là điều cần cân nhắc.
Chính phủ đã có văn bản dừng dự án năng lượng điện tái tạo ở các địa phương đã có trong Quy hoạch điện 7 mà chưa triển khai, ở đây là vấn đề do quy hoạch đặc biệt các dự án này lại ở các tỉnh miền núi đang rất cần ưu tiên phát triển.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị làm rõ trong tính toán phụ tải điện, nhu cầu điện cho phát triển liệu đã tính đến sự thay đổi của nền kinh tế gắn với chuyển đổi số, hội nhập kinh tế, chuyển dịch giờ sản xuất, tiêu thụ năng lượng.
Nhấn mạnh, đây là quy hoạch quan trọng và nóng nhất hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 5 quy hoạch của ngành công thương, hiện mới có quy hoạch điện VIII được trình nhưng chưa được phê duyệt vì còn nhiều vấn đề cần bàn thêm, trong đó có việc tiếp thu các nội dung cam kết tại COP-26, cân đối giữa các nguồn điện.
"Nếu làm quy hoạch khung định hướng thì sẽ xảy ra tình trạng một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận có sẵn lợi thế sẽ hút hết dự án điện tái tạo, chạy đua tỉnh nào xong trước thì tỉnh đó được, cạnh tranh từng kwh. Đây là hạn chế của quy hoạch định hướng nhưng nếu quy hoạch chi tiết đến từng danh mục thì khâu tính toán của Bộ Công Thương sẽ rất nặng nề. Do đó, các nội dung của Quy hoạch điện VIII còn cần bàn bạc, rà soát kỹ lưỡng", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu vấn đề.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong quý I/2022 sẽ cơ bản hoàn thành được quy hoạch về điện lực và quy hoạch về khoáng sản. Quy hoạch năng lượng gắn với quy hoạch điện nên có thể sẽ xong trong quý II/2022.
Triển khai quy hoạch vướng ở giai đoạn đầu nhưng đến nay sau khi làm việc trao đổi giữa các bên, các bộ, các địa phương và bên tư vấn thì không còn cần văn bản hướng dẫn nữa mà chủ yếu thực hiện theo quy trình, lấy ý kiến đóng góp.
Quy hoạch của các tỉnh đều cơ bản sắp hoàn thành, tiến đến quy hoạch vùng. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất ra Nghị quyết xác định mục tiêu thời hạn hoàn thành các quy hoạch chậm nhất là cuối tháng 12/2022.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, quy hoạch là khâu rất quan trọng phục vụ sự phát triển lâu dài của đất nước, vì vậy ngoài tiến độ cũng cần đảm bảo chất lượng, không để lại hậu quả khi thực thi.
Đồng thời lưu ý, Bộ Công Thương cần chỉ đạo phân công cụ thể để bảo đảm mốc thời gian hoàn thành, chất lượng, chú ý đến công tác tư vấn, thẩm định, tham vấn quốc tế vì nhiều vấn đề liên quan đến cam kết quốc tế, hiệp định thương mại.