Đồng Tháp phát triển điện lực theo quy hoạch
Trong gia đoạn 5 năm (2016 – 2020) thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Tháp, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra và phần lớn các hạng mục lưới điện theo quy hoạch đã được triển khai thực hiện, trong đó có hạng mục hoàn thành đạt vượt tiến độ so với quy hoạch.
Cụ thể, công suất cực đại Pmax đạt 450 MW, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 8,1 %/năm, điện năng thương phẩm bình quân đầu người đạt 1.265 kWh/người/năm, tổn thất điện năng đạt 3,9%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143/143 xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia (đạt 100%), hộ dân trong toàn tỉnh có điện đạt 99,98%.
Về đầu tư xây dựng công trình điện, đã xây dựng mới 1 trạm biến áp 220kV, 3 trạm biến áp 110kV và 394.435 kVA công suất trạm biến áp phân phối; cải tạo nâng công suất 6 trạm 110kV và 103.899 kVA công suất trạm biến áp phân phối; xây dựng mới 0,2km đường dây 220kV, 115,3km đường dây 110kV, 519km đường dây 22kV, 5km cáp ngầm 22kV và 1.020km đường dây hạ thế; cải tạo 90,8km đường dây 220kV, 56,7km đường dây 110kV, 1.527km đường dây 22kV và 917km đường dây hạ thế; lắp đặt điện kế cho 92.671 hộ.
Tổng vốn đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4.936 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngành điện là 4.145 tỷ đồng (chiếm 83,97%), vốn doanh nghiệp khoảng 603 tỷ đồng (chiếm 12,22%), vốn ngân sách địa phương, Nhân dân đóng góp và các nguồn khác khoảng 188 tỷ đồng (chiếm 3,81%).
Việc triển khai đầu tư xây dựng công trình điện theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Tháp cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, không xảy ra tình trạng thiếu điện cho các phụ tải, giải quyết kịp thời tình trạng quá tải ở một số khu vực của tỉnh có phụ tải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng cao, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đầy đủ, ổn định cho các trạm bơm, các khu, cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, do tổng nguồn vốn đầu tư của quy hoạch khá lớn (5.041,8 tỷ đồng), trong khi chưa có giải pháp khả thi để huy động các nguồn vốn khác để thực hiện, nên còn một số công trình điện triển khai chậm, chưa thực hiện được và những công trình lưới điện phục vụ cho trạm bơm, cho hộ dân ở vùng sâu, vùng xa lưới điện hiệu quả không cao. Ngoài ra, khả năng đấu nối giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời của lưới điện tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển điện mặt trời của tỉnh trong thời gian tới.
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, đồng thời rà soát, tích hợp phương án phát triển lưới điện vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để hoàn thiện quy hoạch điện VIII; ưu tiên, khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đẩy mạnh phát triển điện mặt trời, điện rác theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đưa nhu cầu phát triển điện mặt trời của tỉnh Đồng Tháp vào quy hoạch điện VIII với tổng công suất là 6.385 MW (nhu cầu sử dụng đất khoảng 6.385ha), đồng thời bổ sung các công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời của tỉnh Đồng Tháp.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, phát triển 2.800 MW điện mặt trời, diện tích sử dụng đất khoảng 2.800ha; giai đoạn 2026-2030, phát triển 1.500 MW điện mặt trời, diện tích sử dụng đất khoảng 1.500ha; sau năm 2030, phát triển 2.085 MW điện mặt trời, diện tích sử dụng đất khoảng 2.085ha. Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016- 2025, trên địa bàn tỉnh dự kiến xây dựng nhà máy điện rác với tổng công suất 20 MW vào giai đoạn 2021-2025.
Nhận thấy, việc đầu tư xây dựng nhà máy điện rác sẽ xử lý triệt để lượng rác thải của tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời phù hợp với chủ trương về phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 và của Tỉnh ủy Đồng Tháp tại Chương trình hành động số 104- CTr/TU ngày 10/6/2020.
Thời gian tới, để có cơ sở kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy điện rác, UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đưa nhu cầu phát triển nhà máy điện rác của tỉnh Đồng Tháp vào Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2025 với tổng công suất là 20 MW.
UBND tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho tỉnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích sử dụng cho các dự án điện mặt trời, với tổng diện tích đất khoảng 6.385ha để tỉnh quy hoạch khu năng lượng tái tạo, kêu gọi đầu tư phát triển điện mặt trời.