Làm sao hóa giải "sóng biển Đông" trên sàn chứng khoán?

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Những mất mát của thị trường chứng khoán trong nước tuần qua khó có thể nguôi ngoai trong thời gian ngắn. Vẫn có rất nhiều nhà đầu tư sợ hãi, lo ngại về các biến động không lường trước được.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Rủi ro xung đột được đánh giá là dạng rủi ro phi hệ thống, thuộc dạng cú sốc bất ngờ đối với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên cũng không nhất thiết phải bi quan quá mức về tác động của tình hình hiện tại. Về bản chất, những biến cố như vậy không xuất phát từ cấu trúc hay nội tại của thị trường chứng khoán. 

Do đó, trừ trường hợp mâu thuẫn dâng cao thành các điểm nóng xung đột không giải quyết được, các mức định giá cơ bản đối với thị trường vẫn đúng trong dài hạn.

Điều chỉnh có thực sự thái quá?

Trên thị trường chứng khoán, thuật ngữ điều chỉnh (correction) được hiểu là một quá trình cân chỉnh lại giữa giá và những kỳ vọng cơ bản đối với doanh nghiệp và dòng tiền. Một chu kỳ tăng trưởng luôn khởi động từ những kỳ vọng, sau đó được chứng thực bằng con số hoặc sự kiện công khai. Giai đoạn này là giai đoạn thị trường tăng trưởng tốt và hợp lý.

Nối tiếp giai đoạn đó là một quá trình bùng nổ giá khi tâm lý hưng phấn lên cao trào. Khả năng tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng khiến trào lưu đầu cơ giá lên tăng vọt. Lúc này bắt đầu có sự mất cân bằng theo hướng đánh giá quá cao giữa thực tế - vốn đã được kiểm chứng trong giai đoạn trước – với giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường.

Thông thường giai đoạn điều chỉnh sẽ nối tiếp quá trình bùng nổ, do các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chuyên nghiệp bắt đầu chốt lời mạnh hơn do nhận thấy sự mất cân bằng giữa thực tế và giá cổ phiếu. Thuật ngữ điều chỉnh hàm ý rằng giá phải giảm trở lại để “điều chỉnh” mức độ mất cân bằng do yếu tố tâm lý chi phối quá lớn trong giai đoạn trước.

Tùy thuộc vào mức độ bùng nổ trước đó mà quá trình điều chỉnh kéo dài bao lâu, mức độ sâu như thế nào, nhanh hay chậm… Điều chỉnh là một quá trình gian nan, nhiều cạm bẫy do không ai có thể biết được mức độ “mất cân bằng” là như thế nào. Có thể thấy giai đoạn điều chỉnh luôn xuất hiện những đợt ngừng nghỉ, tạo bull-trap, để rồi lại giải tiếp đến một mức cân bằng thấp hơn. 

Quá trình điều chỉnh đang diễn ra tưởng như đã cân bằng ở thời điểm cuối tháng 4, khi mà giá tạo được một mặt bằng thấp và đi ngang trong vài ngày. Tuy nhiên, sự kiện biển Đông đã khiến thị trường trở nên “rối loạn”.

Một điều cũng phải lưu ý, là trong hai phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, thị trường vẫn điều chỉnh tiếp mặc dù không có sự kiện “biển Đông”. Nếu như không có sự kiện này, không có gì chắc chắn rằng mặt bằng giá cuối tháng 4 thực ra chỉ là một chặng nghỉ trong xu thế điều chỉnh mà thôi. Sự kiện “biển Đông” xuất hiện làm trầm trọng thêm xu thế điều chỉnh, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh.

Do đó không thể đánh giá rằng nhà đầu tư hoảng loạn thái quá trong những phiên bán tháo tuần này. Mức độ chịu đựng rủi ro là rất khác nhau và nhà đầu tư hành xử cũng khác nhau. 

Chẳng hạn, với nhà đầu tư đang có mức độ margin rất cao, thì khả năng chấp nhận rủi ro rất thấp, họ phải cắt lỗ bằng mọi giá. Những nhà đầu tư đang nắm giữ 100% cổ phiếu ngay cả bằng tiền tự có, cũng cảm thấy bất an và hạ tỷ trọng xuống còn đâu đó 50% hay thấp hơn. Tổng hòa những áp lực bán đó tạo nên sức ép trên thị trường.

Yếu tố cơ bản hấp dẫn trở lại


Trở lại với xu thế thị trường, không ai có thể phủ nhận rằng xu thế hiện tại là điều chỉnh. Sự khác biệt trong đánh giá chỉ có ở mức độ điều chỉnh mà thôi. Mà đã là điều chỉnh thì sẽ đến thời điểm nào đó, sự mất cân bằng giữa giá và yếu tố cơ bản được lấp đầy.

Hoạt động mua vào đã xuất hiện trong những phiên sụt giảm mạnh cuối tuần. Rất khó để phân định rạch ròi, nhưng chắc chắn ít nhất có hai trường phái mua vào. 

Thứ nhất là những nhà đầu cơ thông minh, chấp nhận đánh cược với các biến động cực ngắn hạn và có khả năng thực hiện giao dịch phòng vệ nhanh, thực hiện bắt đáy để hưởng chênh lệch theo dao động. Thứ hai là những nhà đầu tư đúng nghĩa, mua vào với tầm nhìn dài hạn hơn.

Rõ ràng là trường phái mua đầu cơ ngắn hạn phải đối diện rủi ro lớn hơn trường phái đầu tư. Chẳng hạn, nhà đầu cơ đánh T+3 sẽ rủi ro hơn nhà đầu cơ đánh T+1 hay T+2. Vì thế cũng không thể gọi tất cả những nhà đầu cơ bắt đáy hai phiên vừa qua là mạo hiểm quá mức được, vì còn tùy thuộc vào khả năng phòng vệ của mỗi người.

Còn đối với những nhà đầu tư dài hạn, rủi ro phải đối mặt nếu có, là yếu tố căng thẳng biển Đông bị thổi bùng lên thành những xung đột nóng. Nếu khả năng này không xảy ra, hoạt động mua đầu tư với nhiều cổ phiếu có thể coi là hợp lý, vì giá đã điều chỉnh ở mức độ tương đương thời kỳ đầu tháng 1, tức là mức giảm đã chiết khấu luôn cả những kỳ vọng của quý I vừa qua.

Một trong những hiểu nhầm thường thấy, là coi việc bắt đáy mạnh đột biến hay nhà đầu tư lớn mua vào ồ ạt là biểu hiện của thị trường tạo đáy. Như trên đã nói, khả năng phòng vệ hay quan điểm đầu tư là rất khác nhau. Nhà đầu cơ có thể bán ngay trong vòng 1-2 phiên nối tiếp khi họ thấy rủi ro quay lại, hay nhà đầu tư dài hạn có thể chấp nhận giá giảm thêm 10-15% nữa so với giá mua.

Biểu hiện trực tiếp là hoạt động mua của nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh trong tuần này. Hôm hoảng loạn ngày 8/5, báo cáo tự doanh của các công ty chứng khoán trên HSX là mua ròng 221,9 tỷ đồng. Ngay trong ngày 9/5, tự doanh lại bán ròng gần 13 tỷ đồng. Rất có thể với nguồn hàng có sẵn, tự doanh đã thực hiện giao dịch T+1, phần còn lại có thể là T+2 hoặc đầu tư.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm dài hạn thể hiện rất rõ khi khối này mua ròng liên tục suốt cả chiều điều chỉnh của thị trường kể từ đầu tháng 4. Rất nhiều cổ phiếu khối này phải chịu mức lỗ trong ngắn hạn lên tới vài chục phần trăm như HAG, HPG… Hoặc như GAS, tuần rồi giá có tạo đỉnh hay không khối ngoại cũng mặc, vẫn rót vào hàng trăm tỷ đồng.

Với góc nhìn ngắn hạn, không thể coi các giao dịch nói trên là hiệu quả, nhưng với góc nhìn dài hạn, cần phải có thời gian mới phán xét được.