Làm thế nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn được từ ngân hàng?

Châu Đình Linh

(Tài chính) Theo báo cáo từ hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015”, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện chỉ mới có 30% còn lại 70% phải sử dụng vốn tự có hoặc vay vốn từ các nguồn khác có chi phí rất cao.

Khách hàng làm thủ tục tại VIB bank. ảnh internet
Khách hàng làm thủ tục tại VIB bank. ảnh internet

Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ là con dao hai lưỡi, khi doanh nghiệp sử dụng đòn cân nợ cao, hoặc sử dụng vốn tín dụng ngân hàng không đúng mục đích, hoặc mất cân đối cơ cấu tài chính (nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn). Đặc biệt lúc đó cộng với những bất ổn của kinh tế vĩ mô.

Chẳng ai phủ nhận vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp. Có thể điểm qua một số lợi ích như sau: Vay vốn ngân hàng giúp doanh nghiệp khởi sự hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm, đầu tư các dự án sinh lợi…; giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; gia tăng suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) do dựa trên sử dụng hiệu quả đòn cân nợ (đòn bẩy tài chính); tìm kiếm nguồn vốn linh hoạt để tài trợ cho tài sản lưu động của doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra, làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn ngân hàng hiệu quả nhất, đồng thời hạn chế được những rủi ro mà chính nguồn vốn này đem lại?

Làm thế nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn được từ ngân hàng? - Ảnh 1
Doanh nghiệp cần xác lập những chỉ số tài chính phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc thù ngành nghề. ảnh internet

Thứ nhất, doanh nghiệp phải nắm rõ diễn biến kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô trong nước luôn là tâm điểm của mọi chính sách đầu tư. Chủ doanh nghiệp cần nhận định đúng các xu hướng kinh tế vĩ mô để kịp thời nắm bắt và phòng ngừa các rủi ro có thể tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.Chẳng hạn khi tổng hợp và phân tích đúng, doanh nghiệp có thể tìm thấy được cơ hội kinh doanh, hay chu chuyển của dòng vốn tín dụng ngân hàng, hay mở rộng sản xuất kinh doanh ngành nào, thu hẹp ngành nào, hay dự đoán diễn biến của ngoại hối để có quyết sách phòng hộ rủi ro tỷ giá khi giao dịch mua bán…

Thứ hai, doanh nghiệp cần hiểu, đánh giá và bám sát sự phát triển của thị trường tài chính. Trong thị trường tài chính bao gồm nhiều loại thị trường khác nhau, cơ bản nhất là sự phân chia thành thị trường tiền tệ và thị trường vốn..

Nên doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng, nhưng cũng có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán chỉ mới đảm nhận gần 7% tổng nguồn vốn huy động trong nền kinh tế. Và dường như nhiều doanh nghiệp đang bỏ sót một kênh huy động vốn tiềm năng này với chi phí sử dụng vốn hợp lý để đa dạng hóa nguồn vốn tài trợ cho tài sản doanh nghiệp. Đặc biệt là kênh nợ dài hạn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hiện đang bỏ ngỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ ba, chú trọng quản trị tài chính doanh nghiệp. Quản trị tài chính liên quan đến việc đầu tư, mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu kinh doanh đề ra.

Điều này dẫn đến ba quyết định quan trọng như: Quyết định đầu tư – liên quan đến hoạt động hình thành tổng tài sản, tài sản bộ phận và mối quan hệ cân đối giữa các bộ phận tài sản doanh nghiệp; quyết định tài trợ - liên quan đến hoạt động lựa chọn loại nguồn vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay, chiếm dụng vốn của người bán…) cho việc mua sắm, đầu tư tài sản doanh nghiệp; quyết định quản lý tài sản -  một khi tài sản đã được hình thành thì vấn đề quan trọng là quản lý để sử dụng tài sản đó hiệu quả và hữu ích.

Ba quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tài chính lành mạnh và lưu chuyển tiền tệ trong kỳ, cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một cơ cấu tài chính lành mạnh sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua những cú sốc tài chính từ môi trường kinh tế - tài chính vĩ mô.

Và trong cơ cấu tài chính này, doanh nghiệp cần xác lập những chỉ số tài chính phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc thù ngành nghề. Bộ chỉ số sẽ là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp nhận diện những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động tài chính.

Đặc biệt doanh nghiệp cần chú trọng hơn về đòn bẩy tài chính (tổng nợ/tổng nguồn vốn) và mối quan hệ với ROE -  tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao ngất ngưỡng thì nợ vay bỗng chốc trở thành gánh nặng chi phí khủng khiếp và phá vỡ những cân bằng mong manh trong tài chính doanh nghiệp. Theo thống kê, hiện có hơn 85 doanh nghiệp niêm yết đang có nợ vay ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn như các mã DDM, BAS, VSG, SSG, PDC…

Thứ tư, hiểu rõ mục đích sử dụng vốn vay và quy trình tín dụng của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Trong chu kỳ kinh doanh, với nhiều lý do khác nhau sẽ dẫn đến nhu cầu mở rộng nguồn vốn tài trợ để đáp ứng sự tăng trưởng của tài sản và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như, “bán hàng quá nhiều” – được dùng để chỉ tình trạng không có đủ nguồn lực trong bảng cân đối kế toán để phục vụ nhu cầu hiện thời của doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát triển quá nhanh. Điều này làm tài sản lưu động phải phình to trong khi vòng quay tài sản lưu động không đổi và không đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của doanh nghiệp, thì kết quả tất yếu là tìm kiếm nguồn tài trợ vốn lưu động từ các nguồn ngắn hạn như vốn vay hạn mức tại ngân hàng, vốn chiếm dụng…

Vậy, trước khi tìm đến ngân hàng để tiến hành vay vốn, doanh nghiệp cần xác định rõ mục đích vay vốn, số tiền cần vay và khả năng hoàn trả nợ vay. Tất nhiên doanh nghiệp cần xác định mức tối đa của đòn cân nợ để tránh sa lầy và phụ thuộc nợ vay ngân hàng. Các mục đích vay vốn của doanh nghiệp như sau :

Tăng trưởng bán hàng nhanh (bán hàng quá nhiều): Tạo ra khả năng thu được lợi nhuận cao hơn nhưng đòi hỏi bổ sung tiền mặt để tài trợ cho khối lượng kinh doanh lớn hơn của doanh nghiệp. Lúc này hàng tồn kho và phải thu khách hàng cũng tăng theo. Vì vậy, trường hợp này, doanh nghiệp cần dự đoán về tốc độ tăng trưởng bán hàng và mức tăng trưởng của tài sản lưu động nhằm tìm kiếm nguồn vốn vay từ hạn mức tín dụng của ngân hàng. Lúc này, ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tín dụng với số tiền hứa giải ngân tương đương phần thiếu hụt vốn lưu động trong chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

Vòng quay hàng tồn kho chậm lại : Số vòng quay hàng tồn kho trong một năm càng nhỏ thì số ngày lưu giữ hàng tồn kho trong kho càng lớn. Nguyên nhân gây ra tình trạng vòng quay hàng tồn kho chậm lại: Mua hàng tồn kho với giá ưu đãi trước khi thực sự có nhu cầu sử dụng; các hạng mục tồn kho không bán được... Lúc đó, doanh nghiệp nên tiếp cận vốn vay ngân hàng theo phương thức từng lần – là cho vay trên cơ sở nhu cầu của từng phương án cụ thể trong tổng nhu cầu tài sản lưu động của doanh nghiệp.

Phải thu khách hàng kéo dài : Thời gian thu nợ là khoảng thời gian thực sự trôi qua kể từ khi gởi hóa đơn thanh toán đến khi nhận được khoản thanh toán. Do thời gian thu nợ kéo dài, cần nhiều tiền mặt hơn để tài trợ cho hoạt động doanh nghiệp cho đến khi các khoản phải thu chuyển được thành tiền mặt. Điều này thường tạo nên nhu cầu đi vay, doanh nghiệp có thể vay theo phương thức từng lần hoặc thông qua nghiệp vụ bao thanh toán.

Các tài sản cố định – thay thế hay mở rộng : Phần lớn các doanh nghiệp không có lượng tiền mặt lớn để thanh toán cho việc thay thế các tài sản cố định hoặc mua thêm các tài sản cố định bổ sung. Thay vào đó, họ đề nghị ngân hàng cung cấp các khoản vay cho mục đích này, hoặc vay trung dài hạn hoặc thuê mua tài chính.

Lý do đi vay khác : các chi phí ngoài dự tính hay mang tính bất thường.

Doanh nghiệp Việt Nam thường ngộ nhận về vay vốn ngân hàng, họ cho rằng chỉ cần có tài sản đảm bảo và ngân hàng cho vay dựa trên tỷ lệ phần trăm của tài sản đảm bảo.Xu hướng sau này, ngân hàng chỉ cho vay dựa trên nhu cầu vốn xác thực với đầy đủ hồ sơ chứng minh: Năng lực pháp lý, năng lực tài chính, phương án kinh doanh hiệu quả, lịch sử giao dịch tín dụng và cuối cùng là hồ sơ về tài sản đảm bảo.

Do đó, để tiếp cận vốn nhanh chóng, doanh nghiệp cần thu thập toàn bộ hồ sơ chứng minh trên tới thời điểm gần nhất với một nhu cầu vốn xác thực và một phương án trả nợ khả thi. Phần việc còn lại thuộc về Ngân hàng trong hoạt động phân tích và quyết định tín dụng. Vậy một doanh nghiệp có nhu cầu vốn xác thực, sử dụng vốn đúng mục đích và đầy đủ hồ sơ chứng minh năng lực thì không lý do gì ngân hàng từ chối khoản vay này.

Thứ năm, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nguồn vốn vay trong quá trình triển khai dự án. Theo khoa học quản trị, doanh nghiệp thường có hai tầng kiểm soát. Cụ thể, kiểm soát của chủ sở hữu đối với người quản lý công ty và kiểm soát của người quản lý công ty đối với toàn bộ hoạt động trong phạm vi mình quản lý. Trong tầng kiểm soát thứ 2, bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện kiểm soát 3 hoạt động sau: Kiểm soát tuân thủ, kiểm soát tài chính và kiểm soát hoạt động. Không xem nhẹ bất cứ hoạt động kiểm soát nào, nhưng cần chú trọng hơn nữa trong kiểm soát tài chính.

Như các doanh nghiệp phá sản và trì trệ sản xuất vừa rồi như Cty CP Dược Viễn Đông, Cty CP Thủy sản Diệu Hiền…đều có những mất cân đối trầm trọng trong tài chính (nguồn vốn ngắn hạn tài trợ rất nhiều trong tài sản dài hạn, đòn bẩy tài chính cao hơn mức trung bình ngành, đa số nợ vay ngắn hạn từ ngân hàng) và sử dụng vốn vay sai mục đích (vốn vay không đầu tư vào sản xuất kinh doanh như phương án đã trình cho ngân hàng). Là hậu quả của bỏ qua hoạt động kiểm soát tài chính trong công ty

Nhiều công ty mặc dù sử dụng vốn đúng mục đích nhưng quá trình kiểm soát giải ngân và sử dụng vốn bừa bài gây lãng phí không đáng có. Bên cạnh đó, nhiều nhà quản lý thiếu đi tính toán về những điểm rơi của nhu cầu vốn thực sự của công ty.

 Kiểm soát tốt nguồn vốn vay sẽ giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, do đó, đòi hỏi nhà quản lý cần nâng cao nhận thức về kiểm soát tài chính. Và vay được là một chuyện, nhưng sử dụng hiệu quả, đúng lúc,đúng mục đích, đúng đối tượng lại là chuyện khác.

Cuối cùng, vẫn là vấn đề của tài sản đảm bảo. Các ngân hàng Việt Nam luôn muốn có dòng đảm bảo thứ 2 sau phương án kinh doanh của công ty. Họ cho rằng, hoạt động kinh doanh của công ty Việt nam còn chứa đựng nhiều rủi ro tiền ẩn và lòng tin vẫn chưa xác lập trong thời gian ngắn. Do đó, tài sản đảm bảo cộng với phương án kinh doanh hiệu quả cộng hồ sơ chứng minh năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh minh bạch, thì không thể nào doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Trong các năm năm tiếp tới, ngân hàng vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn chủ yếu của những doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa về cách tiếp cận vốn ngân hàng, sao cho sử dụng vốn hiệu quả và hữu ích nhất.