Làm thế nào để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn?

Theo baohaiquan.vn

Việc doanh nghiệp và người dân tham gia chuỗi cung ứng nông sản an toàn khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng hay hạn chế về mặt đất đai, thủ tục… là những rào cản khiến cho việc phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn trở nên khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khó chạm vốn ngân hàng

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT: Tính đến hết tháng 4/2016, đã có 35 tỉnh, thành có mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với tổng số 280 chuỗi. Các sản phẩm chính hình thành chuỗi là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản.

Phát biểu tại hội thảo “Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn” do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng 1, Nafiqad cho biết: Hiện nay, việc hình thành các chuỗi đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Điển hình như, một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định (mất liên lạc trong chuỗi).

Điều này xuất phát từ tình trạng khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ khiến việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, đồng thời việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có văn bản quy định nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai cũng là những khó khăn nổi cộm.

Đứng từ góc độ của doanh nghiệp tham gia kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH BigGreen Việt Nam đánh giá: Hiện nay, một trong những khó khăn điển hình khi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung và rau quả an toàn nói riêng là doanh nghiệp cần lượng vốn lớn trong thời gian dài. Trong khi đó, các doanh nghiệp khá chật vật để có thể tiếp cận nguồn vốn vay.

Đồng tình với quan điểm này, theo đại diện Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại: Với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi, chỉ cần xây dựng được một điểm tập kết hàng hóa chung với hệ thống máy móc sơ chế, bảo quản… cũng đã mất nhiều tỷ đồng rồi. Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay ngân hàng sẽ phải có tài sản thế chấp. Điều kiện có tài sản thế chấp này cũng là “nút thắt” gây khó khăn cho các hộ nông dân tham gia chuỗi.

“Để tháo gỡ khó khăn về vốn vay, tôi đề xuất Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp, cá nhân tham gia chuỗi cung ứng nông sản an toàn khi đi vay ngân hàng có thể được đánh giá tài sản thế chấp trên đất, ví dụ như sản phẩn rau qủa trồng trên đất”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa


Đại diện Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại tiếp tục phân tích: Ngoài vốn, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong dồn điển đổi thửa để có vùng nguyên liệu ổn định cũng như tạo dựng, duy trì mối liên kết dọc với nông dân, hợp tác xã và những doanh nghiệp tại địa phương tổ chức sản xuất nông sản an toàn.

Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Chiến, đại diện Chuỗi cửa hàng rau bác Tôm kiến nghị: Trong thời gian tới Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc dồn điển đổi thửa này cần được tiến hành song song với xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn để người dân thấy được lợi ích thiết thực, chứ không đơn thuần là dồn điền đổi thửa để thuận tiện cho việc quản lý đất đai.

Xung quanh câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với những người nông dân tại vùng nguyên liệu trong chuỗi cung ứng, đại diện Công ty CP VietRAPĐầu tư thương mạicho biết: Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân mà phải thông qua các hợp tác xã. Hiện nay, chỉ các hợp tác xã kiểu mới mới có thể đảm bảo cơ chế hoạt động như doanh nghiệp, tuy nhiên hình thức hợp tác xã này còn ít, chưa có liên kết với các doanh nghiệp.

Hợp tác xã sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp để cung ứng sản phẩm lại chủ yếu là hợp tác xã chuyển đổi từ kiểu cũ sang nên cách quản lý chưa thực sự như doanh nghiệp, gây khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình thẩm định địa phương cán địch nông thôn mới, Bộ NN&PTNT nên bổ sung thêm tiêu chí có những hợp tác xã kiểu mới, trong đó đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng cho Giám đốc của hợp tác xã.

Liên quan tới câu chuyện làm thế nào để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, ông Hưng đề xuất thêm: Nhà nước nên tạo cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản an toàn như xe ô tô chở nông sản an toàn được lưu thông trong thành phố, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu, miễn thuế Giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản an toàn…