Làn sóng M&A của các doanh nghiệp ngành thủy sản
Tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản không mấy khả quan, làn sóng M&A được xem là động lực giúp thay đổi bộ mặt ngành thủy sản của Việt Nam.
Kinh doanh gặp khó khăn
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan và Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hầu hết các mặt hàng xuất khẩu thủy sản 8 tháng năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, mặt hàng tôm chân trắng giảm 29,2%, tôm sú giảm 30,2%, cá tra giảm 8,8%, cá ngừ giảm 7,1%, nhuyễn thể giảm 8,6%.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống của Việt Nam cũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm 30,4%, thị trường EU giảm 16,5%, Nhật Bản giảm 11,3%, các thị trường khác giảm 16,4%. Do các nguyên nhân chính sau:
Đồng yên Nhật Bản và đồng euro mất giá quá nhanh so với đồng USD (trên 10%) làm cho các mặt hàng xuất khẩu nói chung và thủy sản xuất khẩu nói riêng của Việt Nam sẽ có giá bán đắt hơn khoảng trên dưới 10% tại các thị trường Nhật Bản và EU.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cácnhà nhập khẩu hạn chế số lượng nhập khẩu hoặc ép giảm giá thu mua nên hoạt động xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam giảm mạnh.
Áp lực từ thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ đối với tôm (POR8) và đối với cá tra (POR10) ở mức cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh và xuất khẩu các mặt hàng tôm và cá tra của Việt Nam tại các thị trường Mỹ, EU…
Giá bán các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2015 luôn có giá cao hơn sản phẩm cùng loại của các nước, đặc biệt là tôm và cá tra thường cao hơn từ 1 - 2 USD/kg, đã khiến cho nhà nhập khẩu và người tiêu dùng chuyển sang nhập khẩu và tiêu dùng sản phẩm cùng loại của các nước khác, do đó xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm mạnh.
Chẳng hạn, giá tôm nuôi xuất khẩu của Ấn Độ và Indonesia dao động khoảng 2,5 USD/kg (tôm 100 con) trong khi giá của Việt Nam từ 3,5 - 4 USD/kg, nên không đủ sức cạnh tranh về giá.
Xuất khẩu ảm đạm, giảm mạnh so với cùng kỳ 2014 do gặp trở ngại lớn từ biến động tỷ giá cũng như việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản không mấy khả quan. Xem xét báo cáo tài chính quý II/2015 của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán thì hầu hết các doanh nghiệp có lợi nhuận giảm so với quý I/2015, thậm chí là thua lỗ, lợi nhuận sau thuế âm.
Đơn cử như: Doanh thu trong quý II/2015 của Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC) giảm 25%, chỉ đạt 2,612 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cũng giảm tới 61%, chỉ còn 209 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, MPC lỗ ròng gần 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do giá xuất khẩu giảm mạnh, trong khi vẫn phải thu mua tôm từ các vùng nuôi nhằm duy trì sự ổn định của nguồn nguyên liệu nên giá trị hàng tồn kho của MPC đã tăng 39%, từ 4.451 tỷ đồng trong quý I/2015 lên 6.173 tỷ đồng trong quý II/2015. Nợ vay dài hạn của MPC trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng tăng gấp 6 lần từ 500 tỷ đồng lên 2.975 tỷ đồng.
Các nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của MPC là: Thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do đồng tiền của các thị trường xuất khẩu chủ lực của MPC như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Úc, Nga... đều mất giá mạnh so với đồng USD; tính cạnh tranh về giá đối với tôm xuất khẩu giảm sút, do giá chào bán tôm vào thị trường Mỹ của các doanh nghiệp từ Ấn Độ, Indonesia… giảm khoảng 30% trong nửa đầu năm 2015 do các nước này phá giá mạnh đồng nội tệ so với đồng đô la Mỹ.
Thêm vào đó, MPC cũng phải gánh thêm tiền thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 9 (POR9) với mức cao nhất 1,39%.
Công ty Thủy Sản Hùng Vương (HVG), mặc dù doanh thu tăng nhưng chi phí lớn đã làm cho lợi nhuận sau thuế giảm tới 75% trong quý II/2015, còn 26 tỷ đồng.
Theo HVG, các chi phí tài chính tăng mạnh do công ty đẩy mạnh đầu tư và nâng cấp nhiều dự án mới, trong đó có hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Tắc Vân. Ngoài ra, HVG cũng phải chịu thuế chống bán phá giá đối với cá tra phile đông lạnh lần thứ 10 ở mức 0,58 USD/kg và lần thứ 11 là 0,36 USD/kg.
Công ty Thủy sản An Giang (AGF) trong quý II/2015 cũng sụt giảm doanh thu hơn 30% và lợi nhuận giảm gần 70% so với quý I/2015. ATA là doanh nghiệp thủy sản niêm yết có mức thua lỗ nặng nhất trong quý II/2015 với hơn 28 tỷ đồng, cả doanh thu nội địa và xuất khẩu cùng giảm mạnh tương ứng là 68% và 46% so với quý I/2015. Cộng với quý I/2015 kinh doanh dưới giá vốn, lũy kế chung 6 tháng năm 2015, ATA lỗ ròng gần 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 4 doanh nghiệp thủy sản niêm yết báo lãi quý II/2015 gồm FMC, AGF, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) thì chỉ có ACL có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, 3 doanh nghiệp còn lại đều báo giảm lãi, trong đó AGF có lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất. Cụ thể, doanh thu thuần của FMC tăng gần 6%, lợi nhuận gộp tăng 5,8% so với cùng kỳ 2014.
Tuy nhiên, do chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỷ giá tăng tới 160%, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 3,55% và 19,05% nên lãi ròng của FMC giảm gần 17% so với quý II/2014. Trong khi đó, AGF công bố báo cáo tài chính quý II/2015 với doanh thu thuần giảm 22,3%, lợi nhuận gộp giảm gần 23%, lãi ròng chỉ bằng 1/7 so với quý II/2014.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, AGF đạt 1.051 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 27,67%; lợi nhuận đạt gần 9,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ 2014. Đối với ABT, doanh thu thuần quý II/2015 cũng giảm 6,67%, lợi nhuận gộp giảm 2,56% và lãi ròng giảm 8,7% so với quý II/2014. Lũy kế 6 tháng, ABT đạt hơn 37 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 9,31% so với cùng kỳ 2014.
M&A dậy sóng
Để trụ vững trong cơn bão, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã có những bước đi chiến lược trong việc mở rộng quy mô cũng như tìm kiếm những đối tác tiềm năng. Đầu tiên phải kể đến Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC).
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó khăn thì VHC vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhờ đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, kiểm soát giá vốn và chi phí.
Sau thương vụ chi 360 tỷ đồng mua toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang (VDTG) hồi năm 2014, năm 2015, VHC tiếp tục chào mua công khai 32,72% vốn của Công ty cổ phần Thủy sản Cửu Long (CLP) doSCICsở hữu. Nếu giá chào mua bằng mệnh giá thì VHC phải chi khoảng 26 tỷ đồng cho thương vụ này.
HVG cũng là một trong những doanh nghiệp tích cực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động M&A. HVG đã mua 4 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), nâng tỷ lệ sở hữu từ 75,96% lên 90,28%.
Tiếp đó, HVG đã tăng tỷ lệ sở hữu FMC từ 39% (năm 2014) lên 53% nhằm tận dụng nhiều lợi thế của FMC như hàng thủy sản xuất sang Mỹ chịu thuế chống bán phá giá 0%, vùng nguyên liệu có khả năng đáp ứng khoảng 10% nhu cầu và dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên 19%. Bên cạnh đó, HVG cũng mua thêm 3,19 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Tắc Vân với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch là 31,9 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu từ 25% lên 51%.
Hòa chung trào lưu M&A của các doanh nghiệp thủy sản, “vua tôm” Minh Phú cũng đã đầu tư thêm 10% vốn góp vào Cảng Minh Phú Hậu Giang bằng cách mua lại vốn góp của cổ đông hiện hữu để tăng tỷ lệ sở hữu lên 50%. Đồng thời, MPC cũng góp vốn cùng Gemardept (GMD) thành lập Công ty cổ phần Mekong Logistics với tổng vốn đầu tư 670 tỷ đồng. Bên cạnh đó, “vua tôm” cũng lên kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại và dự tính sẽ bán tối đa 39% cổ phần của công ty cho các đối tác nước ngoài có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Hy vọng xu hướng M&A đang gia tăng mạnh trong lĩnh vực thủy sản sẽ là một trong những phương thức hiệu quả giúp các doanh nghiệp thủy sản tái cơ cấu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh, tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp thủy sản trụ vững trước những khó khăn, thách thức để tiếp tục gặt hái những thành công và thắng lợi mới trong thời gian tới.