Làn sóng M&A hay "cứu hộ"?
(Tài chính) Với tình hình thị trường ngày càng khó khăn và đặc biệt là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đẩy mạnh tái cấu trúc, tinh giản số lượng ngân hàng để lành mạnh hệ thống, đã khiến các ngân hàng nhỏ đối mặt với sáp nhập, hợp nhất. Nhưng đây cũng được xem là cơ hội cho các ông lớn trong ngành M&A.
Ông lớn tranh thủ M&A
Vietcombank (VCB) có thể sẽ nhận một ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ khác về chung mái nhà với mình. Điều này cũng không quá ngạc nhiên, bởi trước đây khi thị trường tài chính có khó khăn, không ít ngân hàng nhỏ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, VCB cũng đã từng làm “bà đỡ” cho vài ngân hàng dưới sự chỉ đạo của NHNN.
Đơn cử là GiaDinh Bank (nay được chuyển đổi thành VietCapital Bank) vào thời gian khó khăn, dưới sự chỉ đạo của NHNN, VCB đã mua lại 30% vốn cổ phần của ngân hàng này. Trong kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 23/4 tới, VCB sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập nhưng chưa cho biết danh tính của ngân hàng nào sẽ sáp nhập. Trong một báo cáo khác của Ban điều hành VCB với các cổ đông trong kỳ đại hội tới, VCB cho biết sẵn sàng tham gia sắp xếp lại các NHTM khi có chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Trong tài liệu công bố về ĐHCĐ diễn ra vào ngày 18/4, PG Bank (NHTMCP Dầu khí) có đề xuất sáp nhập vào VietinBank. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT PG Bank, ông Bùi Ngọc Bảo, cho biết đến nay ngân hàng vẫn chưa chốt phương án sáp nhập vào VietinBank, mới chỉ dừng lại ở góc độ xin chủ trương.
Thời gian qua, PG Bank đã tìm nhiều đối tác để tái cấu trúc, nhưng VietinBank là đối tác có tiềm năng nhất, HĐQT PG Bank đã đề xuất ĐHCĐ chấp thuận phương án sáp nhập vào VietinBank với phương án hoán đổi cổ phiếu để VietinBank sở hữu 99% cổ phần nhưng vẫn giữ nguyên mô hình PG Bank tức PG Bank sẽ trở thành ngân hàng con của VietinBank.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng với vị trí của VietinBank hiện nay có nên “ôm” thêm PG Bank hay không, vì PG Bank là một ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém. Hơn nữa, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải giảm tỷ lệ sở hữu tại PG Bank từ 40% hiện nay xuống 20%.
Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của PG Bank đã giảm mạnh từ mức 9,81% từ tháng 9/2013 xuống còn dưới 3%. Trong năm 2013, PG Bank cũng đã bán 752 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Tuy nợ xấu giảm mạnh, song tín dụng của PG Bank hầu như không tăng trưởng, chỉ đạt 0,6% trong năm vừa qua.
Tại kỳ ĐHCĐ vào ngày 19/4 tới, Maritime Bank (ngân hàng Hàng Hải) cũng trình cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập MeKong Bank - ngân hàng mà Maritime Bank có tỷ lệ chi phối lớn. Trong kỳ đại hội mới đây, cổ đông MeKong Bank cũng đã thông qua phương án sáp nhập vào Maritime Bank.
Điều đáng chú ý là nhiều khả năng cổ đông chiến lược nước ngoài của MeKong Bank sẽ bán lại 20% cổ phần cho Maritime Bank. Trước đó không lâu, thương vụ sáp nhập được cho đình đám nhất là ĐHCĐ Sacombank đã thông qua chủ trương ủy quyền cho HĐQT xây dựng đề án sáp nhập thêm Southern Bank.
Chiều ngày 16/4, ĐHCĐ Southern Bank cũng đã thông qua chủ trương sáp nhập vào Sacombank. Tuy nhiên tỷ lệt chuyển đổi cổ phần vẫn còn bí mật. Sau khi được ĐHCĐ thông qua, HĐQT Sacombank và Southern Bank sẽ triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập cụ thể theo phương án khả thi và thực hiện các chủ tục cần thiết để trình lên NHNN. Nhiều khả năng thương vụ sáp nhập trên sẽ được hoàn tất trong mùa hè này.
Có là cơ hội để phát triển?
Tuy nhiên, theo giới đầu tư, các thương vụ sáp nhập ngân hàng trên đều mang dáng dấp một vụ “cứu hộ” và gom về một mối để giảm tỷ lệ sở hữu chéo, thay vì tự nguyện của 2 bên. Đơn cử trường hợp của PG Bank, nếu sáp nhập vào VietinBank với phương án hoán đổi cổ phiếu để VietinBank sở hữu 99% cổ phần PG Bank, tỷ lệ tối thiểu 0,82 cổ phiếu CTG (VietinBank) đổi lấy 1 cổ phiếu PG Bank, tức giá tối đa mua lại PG Bank là 13.612 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị sổ sách năm 2014 là 1,2 lần, so với giá trị sổ sách năm 2014 của CTG là 1 lần (tính theo giá đóng cửa của CTG trong phiên giao dịch 11/4).
Hay với thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, các đánh giá đưa ra cho rằng Sacombank không cần thiết phải “ôm” thêm Southern Bank, bởi Southern Bank là một ngân hàng nhỏ yếu kém, tỷ lệ nợ xấu tăng trên 4% và chủ yếu nợ có khả năng mất vốn. Maritime Bank chuẩn bị sáp nhập thêm MeKong Bank cũng có lý do tương đồng với thương vụ trên, khi tỷ lệ chi phối của Maritime Bank tại MeKong Bank trên 10%, đồng thời nhiều khả năng Maritime Bank sẽ mua lại 20% cổ phần của FFH.
Có thể thấy M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang được đẩy mạnh là để giảm bớt những ngân hàng yếu kém, giảm tỷ lệ sở hữu chéo. Từ đó ngành ngân hàng có thể nhanh chóng giải quyết được khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu... Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, đến cuối năm 2015 số NHTM từ 45 sẽ xuống còn trên dưới 20 ngân hàng.
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại những ngân hàng yếu kém chỉ mới là một yếu tố trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, không đủ giải quyết vấn đề cơ cấu của ngành ngân hàng. Điều đó phần nào cho thấy, M&A được xem là cơ hội để qua đó mở rộng quy mô hoạt động, tăng năng lực tài chính.
Để có thể “gánh” được một ngân hàng nhỏ trước bối cảnh khó khăn hiện nay, các chuyên gia tài chính cho rằng cần thiết phải có một ngân hàng mạnh mới kỳ vọng giải quyết được những khó khăn nội tại ngân hàng nhỏ và yếu đang có. Vì thế, cùng với chủ trương đẩy mạnh sáp nhập và khuyến khích các ngân hàng nhỏ hợp nhất, sáp nhập trên tinh thần tự nguyện, có thể để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ở giai đoạn cuối của đề án, nhiều khả năng một số ngân hàng sẽ bị “ép” sáp nhập.