Làn sóng tái cơ cấu nhân sự cấp cao định hình tương lai ngân hàng Việt

Theo Gia Phong/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Không chỉ các nhà băng tư nhân với mô hình linh hoạt hơn, các ngân hàng thương mại có Nhà nước sở hữu chi phối cũng thể hiện năng động trong làn sóng này. Tất cả cùng hướng về một tương lai mới với yêu cầu ngay từ lúc này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam tiếp tục có nhiều thay đổi về cơ cấu nhân sự cấp cao. Làn sóng tái cơ cấu ở thượng tầng này mang đến những mới mẻ và khác biệt so với các giai đoạn trước đây.

Các “ông lớn” đã không còn xơ cứng

Tháng 7/2021, lần đầu tiên hệ thống các NHTM Việt Nam đánh dấu sự kiện cùng lúc có hai lãnh đạo cấp cao tại Vietcombank và VietinBank nhận nhiệm vụ công tác tại địa phương. Nếu theo “truyền thống”, nhân sự kế nhiệm sẽ khó đến từ bên ngoài mà do Nhà nước bổ nhiệm.

Tuy nhiên, đặc thù mô hình NHTM có Nhà nước sở hữu chi phối không vì thế mà xơ cứng, kém linh hoạt trong tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo các khối chức năng. Những tiền lệ ở đây đã và đang được cụ thể hóa.

Từ cuối năm 2017, chính Vietcombank đã tạo hiện tượng khi lần đầu tiên một NHTM Nhà nước tuyển và bổ nhiệm Giám đốc Khối bán lẻ là người nước ngoài - ông Thomas William Tobin, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Chưa dừng lại đó, chia sẻ với báo chí đầu năm nay về chiến lược mới, một lãnh đạo cao cấp của Vietcombank từng tiết lộ ngân hàng này tiếp tục có bước đi mở rộng, qua kế hoạch chiêu mộ nhân sự Giám đốc và Phó giám đốc Ngân hàng Số là chuyên gia nước ngoài. Nhiều khả năng khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, việc thu xếp công việc của các nhân sự này thuận lợi, bước đi tiếp theo đó sẽ được cụ thể hóa…

Săn nhân sự cấp cao là chuyên gia nước ngoài không mới ở Việt Nam, đang là xu hướng ngày một mạnh lên. Điển hình như tại Techcombank, chuyên gia người Đức vừa đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Lãnh đạo Techcombank từng nêu quan điểm rằng họ có chiến lược tìm, chiêu mộ các nhân sự hàng đầu trên thế giới quy tụ về làm việc.

Tựu trung, làn sóng tái cơ cấu nhân sự cấp cao tại các NHTM Việt Nam hiện nay đã khác trước nhiều, mở rộng hơn các “khuôn khổ”, linh hoạt theo chất lượng, thay vì chủ yếu luân chuyển và đan xen qua lại nội khối những giai đoạn trước đây.

Trẻ, chuyên môn mạnh, đúng xu thế

Một nét khác biệt của làn sóng tái cơ cấu hiện nay là sự trẻ hóa về nhân sự. Từ đầu năm 2021, với thay đổi hệ thống ngân hàng Việt đã có “dàn” chủ tịch HĐQT thế hệ 8x.

Tại các khối chức năng, nhìn sang những thành viên khác như SHB …, đảm trách nhiều lĩnh vực, phân khúc quan trọng là những thủ lĩnh 8x, những gương mặt trẻ và dĩ nhiên cả quãng đường dài đang đặt ra phía trước với họ.

Cũng tại SHB, vị trí CEO vừa tạm trống. Một thành viên HĐQT nhiều kinh nghiệm đang được giao phụ trách điều hành. Song, không loại trừ khả năng ngân hàng này sẽ hướng đến săn tìm nhân sự hoàn toàn mới.

“Tại SHB, nhân sự cấp cao đang có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện nhiều thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc, các giám đốc/phó giám đốc khối chuyên trách thuộc thế hệ 8x, là độ tuổi giàu nhiệt huyết, đam mê, năng động và cống hiến phát triển”- một lãnh đạo của SHB cho biết. Nhìn nhận điểm chung ở thế hệ này đã tiếp cận và tích lũy chuyên môn ở những phân khúc, lĩnh vực mới cần cho ngân hàng, cũng như trong xu hướng chung của thị trường.

Với những thay đổi trên, đích ngắm của SHB ở vị trí CEO và các vị trí nhân sự cấp cao là những chuyên gia về bán lẻ, công nghệ và chuyển đổi số, ngân hàng số. Một mặt, sự am hiểu về công nghệ thúc đẩy ngân hàng tiến nhanh hơn trong cuộc cạnh tranh số hóa đang ngày một quyết liệt, mặt khác tạo chiều sâu hiệu quả trong quản lý, tối ưu vận hành và nâng cao năng suất lao động

“Một số ngân hàng đang có xu hướng tìm CEO ngoại. Nhân sự cấp cao nước ngoài cũng đồng thời mang đến các sáng kiến, những xu hướng mới như về kĩ thuật số, giúp đẩy mạnh sự chuyển hóa nguồn lực doanh nghiệp với các thế mạnh khác nhau, tạo ra quy trình làm việc chuyên nghiệp hơn, đưa doanh nghiệp phát triển lên tầm cao mới hoạt động hiệu quả hơn. Đó là thế mạnh của họ.

Việt Nam có những đặc thù riêng, cũng như đang hình thành một lực lượng nhân sự nội tại đáp ứng được yêu cầu và xu thế hiện nay, khi họ đã trực tiếp được đào tạo và làm việc tại các thị trường phát triển, có thực tiễn và am hiểu thị trường mình. Tôi nghĩ SHB sẽ có một lựa chọn tối ưu cho vị trí này”, một lãnh đạo của SHB chia sẻ bên lề với BizLIVE, khi nhìn nhận việc thay đổi CEO cũng chính là một cơ hội khi ngân hàng này đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với triển vọng mạnh mẽ hơn nữa, gắn với kỳ vọng bứt phá hơn nữa.

Nhìn lại, loạt thay đổi nhân sự cấp cao tại nhiều NHTM vừa qua, cũng như tới đây đều có một điểm đến: thay đổi để tốt hơn, không ai thay đổi để kém đi ngoại trừ thay đổi một cách thụ động. Với yêu cầu, mục tiêu và kỳ vọng chung như vậy, cũng như vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của cơ cấu nhân sự thượng tầng, làn sóng tái cơ cấu hiện nay và tới đây hứa hẹn sẽ góp phần định hình một tương lai tốt hơn nữa cho hệ thống ngân hàng Việt.