Tỉnh Sóc Trăng:
Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp
Bên cạnh các giải pháp về vắc xin, tạo luồng xanh lưu thông hàng hóa, tách bóc F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly F1… điểm khác biệt trong đợt giãn cách sau ngày 15/8 chính là việc phân vùng theo mức độ nguy cơ để có giải pháp chống dịch hiệu quả hơn nhưng vẫn đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh hoạt động an toàn. Đây được xem là sự linh hoạt của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép: “Vừa chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế” được cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao.
Ngay sau cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15/8, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng ban hành quyết định tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo đẩy lùi, khống chế dịch COVID-19 một cách hiệu quả, giúp kinh tế khôi phục, đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Theo đó, thực hiện phương châm “Lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài chống dịch” tỉnh phân chia các địa phương thành 4 vùng có mức độ nguy cơ khác nhau, như: vùng bình thường mới (xanh), vùng nguy cơ (vàng), vùng nguy cơ cao (cam) và vùng nguy cơ rất cao (đỏ), cùng các giải pháp cụ thể trong phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh cho từng vùng. Thực tế sau 2 tuần thực hiện, phương án trên đã phát huy hiệu quả tích cực cả trong phòng, chống dịch lẫn hoạt động kinh tế, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Nói về phương án phân chia 4 vùng chống dịch trên, một giám đốc doanh nghiệp thủy sản lớn trong tỉnh gói gọn trong 2 từ “dũng cảm”. Nhận xét trên được hầu hết các doanh nghiệp đồng tình, bởi theo họ, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã không máy móc, đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn, chuỗi cung ứng hàng hóa ít bị đứt gãy hơn.
Với phương án 4 vùng trên, tỉnh Sóc Trăng vẫn đảm bảo đầy đủ các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, nó cho thấy, tỉnh đã lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.
Sau khi công bố phương án phòng, chống dịch từ sau ngày 15/8, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có động thái tích cực hơn là tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong tỉnh vào ngày 18/8 để tiếp tục lắng nghe, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện, cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp trên, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao sự đồng hành của doanh nghiệp với tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Điều đó thể hiện qua thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, tất cả các doanh nghiệp trong tỉnh đều an toàn.
Tỉnh cũng cam kết tiếp tục đồng hành một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này và cả trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đánh giá cao phương án, giải pháp phòng, chống dịch vừa qua của lãnh đạo tỉnh, vì đã giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hiệu quả.
Thời gian qua, bên cạnh việc trang bị bộ kít test nhanh thì hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm lớn của tỉnh đều có phòng trang bị máy xét nghiệm PCR, nên việc kiểm soát dịch nội bộ được thực hiện rất hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Cũng tại cuộc họp trên, theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp khó lường, nên doanh nghiệp chỉ khôi phục sản xuất theo từng bước vững chắc phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19 và khả năng kiểm soát dịch của doanh nghiệp cũng như trên địa bàn tỉnh và toàn vùng. Sự quan tâm, đồng hành chí tình và trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Chính trách nhiệm và sự đồng hành hiệu quả của lãnh đạo tỉnh, sự chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch của doanh nghiệp đã giúp ngành tôm yên tâm sản xuất, kinh doanh dù vẫn còn vô vàn khó khăn, thách thức. Theo các doanh nghiệp, từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, do thiếu hụt lực lượng lao động nên sản phẩm chế biến giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30 - 40% so với bình thường.
Tuy nhiên, với đa phần là các doanh nghiệp tôm lớn của cả nước nên cơ hội phục hồi và tăng trưởng trong những tháng cuối năm của doanh nghiệp ngành tôm là vẫn còn nếu như dịch COVID-19 được khống chế vì hiện tại số diện tích tôm chưa thu hoạch của tỉnh Sóc Trăng là khá lớn với khoảng 20.000 – 25.000ha.
Từ sự lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, tỉnh đã đưa ra một quyết định hợp lòng dân và cộng đồng doanh nghiệp, vừa để công tác chống dịch được hiệu quả vừa đảm bảo cho kinh tế duy trì được đà tăng trưởng.