Lãnh đòn đau từ đại dịch, kinh tế châu Âu sụt giảm 7,5% trong năm 2020

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, Covid-19 sẽ đẩy phần lớn nền kinh tế châu Âu lâm vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời điểm của cuộc Đại Suy thoái 1930.

Dòng người xếp hàng chờ nhận các gói thực phẩm miễn phí bên ngoài một nhà thờ tại Santa Anna, ở Barcelona, Tây Ban Nha hôm 21/4. Ảnh: Reuters.
Dòng người xếp hàng chờ nhận các gói thực phẩm miễn phí bên ngoài một nhà thờ tại Santa Anna, ở Barcelona, Tây Ban Nha hôm 21/4. Ảnh: Reuters.

Theo Báo cáo Kinh tế Xuân 2020 vừa được EC công bố, các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ suy giảm lần lượt ở mức 7,5% và 7,75%, do hậu quả từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thiệt hại gây ra bởi Covid-19 nhiều khả năng đến cuối năm 2021 vẫn chưa thể khắc phục được.

"Châu Âu đang trải qua cú sốc kinh tế chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc Đại Suy thoái", Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Paolo Gentiloni nói.

Vị Ủy viên gọi đây là "mức suy giảm kinh tế tồi tệ nhất đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu", trước khi tăng trưởng trở lại 6,3% vào năm sau. Dẫu vậy, sự phục hồi này cũng diễn ra không đồng đều tại các nền kinh tế trong khu vực, nhất là khi thời điểm dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn virus ở các nước là khác nhau. 

Hiện, chính phủ các nước EU đang cân nhắc kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa sau vài tuần áp dụng để chống lại Covid-19. Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Đức và Áo cùng nhiều quốc gia khác đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại; tuy nhiên, việc khởi động lại các nền kinh tế đang diễn biến chậm, đồng nghĩa, hoạt động sản xuất kinh doanh về cơ bản vẫn bị ảnh hưởng trong nhiều tháng tới.

Trong bối cảnh mức độ suy thoái và khả năng phục hồi của các nền kinh tế thành viên không đồng đều, ông Gentiloni cho rằng, khoảng cách này đang là mối đe dọa đối với thị trường đơn lẻ và cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Do đó, vị Ủy viên cũng kêu gọi chính phủ các nước EU cần có hành động quyết đoán.

Đồng thời, báo cáo nói trên cũng là dự báo kinh tế đầu tiên được công bố sau khi các nước thành viên EU áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Vào tháng 2/2020 - thời điểm châu Âu vẫn chưa "thấm đòn" từ đại dịch, EC đã dự báo GDP của EU sẽ tăng 1,4% trong năm 2020. Việc các hoạt động kinh doanh sụp đổ trong chốc lát vì đại dịch đã để lại hậu quả lớn cho nền kinh tế thế giới, và nếu so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thiệt hại thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

"Quy mô thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, và khả năng của chúng tôi trong việc tái khởi động các hoạt động kinh tế một cách an toàn và phục hồi sau đó", Phó chủ tịch phụ trách kinh tế của EC Valdis Dombrovskis cho biết. 

Theo đó, thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn, nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, ngăn chặn việc mở cửa lại của các doanh nghiệp và hoạt động du lịch. Trước tình trạng này, nhiều thành viên EU, trong đó có cả những nền kinh tế chủ chốt, đều đã đưa ra dự đoán ảm đạm về hậu quả của đại dịch. 

Cụ thể, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU cho biết, có thể ghi nhận mức giảm 6,5% GDP - mức sụt giảm tồi tệ nhất từ sau Thế chiến thứ II. Pháp cũng đưa ra dự báo sụt giảm gần tương đương với Đức, còn Tây Ban Nha dự kiến nền kinh tế sẽ giảm 9,2% vào năm nay.

Trong khi đó, EC dự báo kinh tế Ý sẽ giảm 9,5% trong năm 2020 và phục hồi 6,5% vào năm tới. Riêng với Hy Lạp, mức sụt giảm sẽ rơi vào khoảng 9,7% (cao nhất EU) trong năm nay, và phục hồi cùng mức tăng trưởng 7,9% vào năm sau.

Thêm vào đó, tác động đối với tình hình tài chính công tại các nước có mức nợ công cao như Ý sẽ đặc biệt nghiêm trọng, với mức thâm hụt ngân sách lên tới 11,1% GDP; còn tại Tây Ban Nha và Pháp, con số này có thể đạt 10% GDP.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng từ đại dịch cũng gây ra tác động nặng nề tới thị trường việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU được dự báo tăng từ 6,7% vào năm 2019 lên 9% năm 2020, sau đó giảm xuống còn 8% vào năm sau. Tính đến ngày 7/5/2020, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết, hơn 1,1 triệu người đã mắc Covid-19 trên khắp châu Âu, với hơn 137.000 trường hợp tử vong.