Lao động kỹ thuật cao có giá

Theo Tùng Lâm/nld.com.vn

Cơ cấu lao động trong doanh nghiệp đang có sự thay đổi khi lao động có trình độ, tay nghề, kỹ thuật cao sẽ ngày càng được ưu tiên sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang đổi mới phương thức sản xuất với những dây chuyền công nghệ hiện đại.

Khuyến khích sáng tạo

Hưởng ứng phong trào Thi đua Lao động giỏi - Lao động sáng tạo do LĐLĐ tỉnh Đồng Nai phát động, năm 2018, có hơn 300 lượt DN, đơn vị trong tỉnh thực hiện hơn 16.800 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho nhà nước, DN gần 100 tỉ đồng. Từ năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên dương công nhân (CN) kỹ thuật cao tiêu biểu đang làm việc tại các DN trong toàn tỉnh để khích lệ, động viên người lao động hăng say làm việc, sáng tạo, góp phần vào sự phát triển chung của DN địa phương và đất nước.

Công nhân kỹ thuật cao là tiềm năng của các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0
Công nhân kỹ thuật cao là tiềm năng của các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0

Là CN kỹ thuật cao của Công ty TNHH Cơ khí động lực Toàn Cầu (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom), anh Nguyễn Minh Toàn sau 5 năm gắn bó với DN, ngoài việc làm chủ tốt dây chuyền sản xuất cũng đã "giắt lưng" hàng chục sáng kiến cải tiến. Trong đó phải kể đến sáng kiến robot tự sơn. Anh Toàn chia sẻ: "Trước đây, CN thường phải tự tay sơn các loại khung xe nên màu sơn không đều, sản phẩm không đẹp. Mặt khác, việc phải tiếp xúc trực tiếp với sơn cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người lao động. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi đã đưa ra sáng kiến robot tự sơn bột khung, giúp giải quyết triệt để những hạn chế trước kia".

Cũng làm chủ được dây chuyền máy móc hiện đại là anh Đỗ Văn Hà - nhân viên kỹ thuật môi trường Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa). Anh Hà cho biết trước đây, trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan, một lượng nhiệt năng lớn sẽ cung cấp cho lò sấy để sấy cà phê. Tuy nhiên, do thiết kế cũ của lò sấy không bảo đảm giữ toàn bộ nhiệt trong lò nên một lượng lớn nhiệt năng cung cấp cho lò sấy bị thoát ra bên ngoài qua các khe hở của lò sấy.

Điều này vừa lãng phí điện năng vừa khiến môi trường làm việc của CN nóng bức, khó chịu. "Trước thực tế này, tôi đã nghiên cứu, đề xuất với quản lý cho thử nghiệm cuốn dây thép quanh các khe hở của lò sấy và làm van điều chỉnh, giúp giữ lại toàn bộ điện năng trong lò sấy mà môi trường làm việc lại mát mẻ, thoải mái hơn" - anh Hà bộc bạch.

Đãi ngộ chất xám

Ông Lê Trí Tín, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Bosch Rexroth Việt Nam (trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh), cho hay từ năm 2011, các công ty của Bosch đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong số 270 nhà máy của Bosch trên toàn thế giới đã có hơn 120 nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0. Riêng nhà máy Bosch ở huyện Long Thành hiện đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này. "Để làm chủ những công nghệ hiện đại đòi hỏi phải có những con người hiện đại, tức là những người am hiểu về công nghệ, biết ngoại ngữ để điều khiển máy móc hoạt động trơn tru" - ông Tín cho hay.

Còn Giám đốc sản xuất Công ty CP Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa), ông Phạm Xuân Thọ, cho biết trong số hơn 40.000 CN của DN có khoảng 40%-50% là lao động kỹ thuật cao. Lực lượng này luôn được DN trọng dụng. Cứ 3 tháng hoặc 6 tháng, DN sẽ cử đội ngũ quản lý và lao động kỹ thuật cao sang Hàn Quốc, Mỹ để học tập, tiếp thu những công nghệ, máy móc mới, sau đó về áp dụng trực tiếp tại DN.

Bên cạnh tuyển dụng lao động phổ thông, hằng tháng DN cũng có nhu cầu tuyển 50 lao động kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, vận hành dây chuyền, máy móc. "Những lao động có trình độ, tay nghề, kỹ năng tốt luôn được DN trả lương, thưởng, phụ cấp xứng đáng. Hằng năm, khi đề bạt nhân sự lên các vị trí quản lý cao hơn, những lao động kỹ thuật cao sẽ là những người được ưu tiên. Điều này vừa thể hiện sự công bằng đối với lao động kỹ thuật cao vừa để khích lệ, động viên những CN khác nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong công việc" - ông Thọ nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Chế tạo công nghiệp và Gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa), khi nhận được những đơn hàng với yêu cầu cao từ phía đối tác, lực lượng lao động có trình độ cao sẽ là đối tượng được huy động trước tiên. Những người này sẽ nhanh chóng khảo sát thị trường, thị hiếu của khách hàng, phác thảo mẫu mã sản phẩm theo đúng những yêu cầu của đối tác về thông số kỹ thuật. Ông Phạm Văn Vui, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Chế tạo công nghiệp và Gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam, khẳng định sự đóng góp của đội ngũ lao động tay nghề cao đã giúp DN ổn định sản xuất, phát triển ngày càng tốt hơn.

Được hưởng nhiều ưu đãi

Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nhiều Công đoàn cơ sở đã tạo điều kiện về thời gian, tổ chức các lớp đào tạo tin học, ngoại ngữ miễn phí cho CN và liên kết với các trường nghề để đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho CN, giúp DN không cần phải đào tạo lại, đỡ tốn kém về thời gian, chi phí. "Hiện lực lượng lao động kỹ thuật cao tại các DN Đồng Nai có mức lương khá cao, hưởng nhiều khoản trợ cấp, ưu đãi. Nhiều CN kỹ thuật có những sáng kiến cải tiến hiệu quả, làm lợi cho DN đã được DN thưởng nóng, thưởng theo tháng, năm" - ông Lập cho biết.