Ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào
Ngày 19/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2021/NĐ-CP quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Nghị định số 90/2021/NĐ-CP được ban hành để tiếp nối thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam tại Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào cho giai đoạn từ ngày 04/10/2020 đến ngày 04/10/2023.
Các nội dung chính sách quy định tại Nghị định số 90/2021/NĐ-CP cơ bản không thay đổi so với Nghị định số 124/2016/NĐ-CP nhằm tuân thủ cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện Nghị định.
Nghị định số 90/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/10/2020 đến ngày 04/10/2023, thay thế cho Nghị định số 124/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Cụ thể, cấu trúc Nghị định số 90/2021/NĐ-CP gồm 02 phần: Phần lời văn của Nghị định (gồm 09 Điều, cụ thể: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào (Điều 3); Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (Điều 4); Hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA (Điều 5); Hàng hóa nhập khẩu không được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Việt Nam (Điều 6); Hàng hóa nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan (Điều 7); Điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào (Điều 8); Tổ chức thực hiện (Điều 9) và 03 phụ lục (Phụ lục I - Danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào; Phụ lục II - Danh mục hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào; Phụ lục III - Danh mục hàng hóa được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hằng năm theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào) ban hành kèm theo Nghị định.
Trong đó, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định gồm 14 dòng thuế (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) tương ứng với các mặt hàng như trứng chim và trứng gia cầm, nguyên vỏ, sống, đã bảo quản hoặc làm chính; lúa gạo; và đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học ở thể rắn; áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo quy định tại Điều 5 của Nghị định.
Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định gồm 385 dòng thuế (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo HĐTM Việt Nam - Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Điều 6, chủ yếu là các mặt hàng hạt thuốc phiện; các sản phẩm thuốc lá và phế liệu lá thuốc lá; nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng, các chất chứa bi-tum, các loại sáp khoáng chất; phế thải dược phẩm, thuốc điều trị ung thư, HIV/AIDS hoặc các bệnh khó chữa; chất nổ, các sản phẩm pháo, diêm, các hợp kim tự cháy, các chế phẩm dễ cháy khác và một số sản phẩm hóa chất khác; cao su và các sản phẩm bằng cao su; xe trừ phương tiện chạy trên đường sắt hoặc đường tàu điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng; vũ khí và đạn, các bộ phận và phụ kiện của chúng.
Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định gồm 13 dòng thuế (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) lá thuốc lá chưa chế biến; phế liệu lá thuốc lá và 3 dòng thuế lúa gạo (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% đối với lượng nằm trong hạn ngạch được quy định tại Phụ lục III. Cụ thể: Hạn ngạch nhập khẩu lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu thuốc lá là 3.000 tấn/năm; Hạn ngạch nhập khẩu gạo là 70.000 tấn/ năm.
Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt nêu trên, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 4 của Nghị định, cụ thể là hàng hóa phải đáp ứng đủ các điều kiện:
Một là, hàng hóa phải được nhập khẩu từ CHDCND Lào vào Việt Nam.
Hai là, hàng hóa phải dáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của CHDCND Lào cấp theo quy định.
Để đảm bảo thực thi hiệu lực, hiệu quả Nghị định, các tổ chức, cá nhân có liên quan liên hệ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương. Đầu mối tham mưu ban hành Nghị định và theo dõi thực thi tại Bộ Tài chính là Vụ Hợp tác Quốc tế.
Việt Nam và Lào đã có các Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 09/03/1998, Bản Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt – Lào ký ngày 01/12/2011, và Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 03/03/2015, có hiệu lực từ ngày 3/10/2015 đến ngày 3/10/2020.
Sau khi được Chính phủ hai nước thống nhất phê duyệt, Hiệp định Việt Nam – Lào ký năm 2015 đã được gia hạn thực hiện với thời hạn 03 năm kể từ ngày 04/10/2020 đến ngày 04/10/2023. Hiệp định gồm 16 điều khoản; 03 Phụ lục (Phụ lục I - Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào, được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA khi nhập khẩu vào Việt Nam; Phụ lục II - Danh mục loại trừ: hàng hóa có xuất xứ từ Lào, không được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Việt Nam; Phụ lục III - Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Lào được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan 0% mỗi năm khi nhập khẩu vào Việt Nam).