Lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán
(Tài chính) Các công ty môi giới có thể phải trích 5% doanh thu môi giới để lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, theo tinh thần của Luật Chứng khoán.
Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ nhà
đầu tư tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất mức trích lập Quỹ đối với công ty chứng khoán tối đa bằng 5% doanh thu hoạt động môi giới hàng năm của công ty.
Đối với công ty quản lý quỹ, số tiền trích quỹ tối đa bằng 5% doanh thu từ hoạt động quản lý quỹ, đầu tư chứng khoán và danh mục đầu tư hàng năm. Các công ty không phải tiếp tục trích quỹ khi số dư quỹ bằng 10% vốn điều lệ.
Theo dự thảo, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ quyết định mức trích nộp Quỹ cụ thể hàng năm và thực hiện trước 31/3 của năm đó.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Chứng khoán đã quy định cụ thể nghĩa vụ nêu trên, cụ thể là việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư.
Mục đích của việc thành lập này là bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư khi công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có sai sót về mặt kỹ thuật. Về nguyên tắc, Quỹ được trích lập từ chi phí trước thuế của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Thời gian qua Bộ Tài chính đã tiến hành khảo sát tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán về việc mua bảo hiểm trên. Tuy nhiên, kết quả cho thấy đến nay các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đều chưa thực hiện trích lập Quỹ do chưa có quy định về cơ chế trích lập và sử dụng quỹ.
Đối với việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, hiện tại mới chỉ có 4 công ty bảo hiểm ở Việt Nam (đều là công ty bảo hiểm nước ngoài) triển khai loại hình sản phẩm bảo hiểm này. Đồng thời, đến nay, mới chỉ có 2 công ty chứng khoán (trên tổng số 91 công ty chứng khoán và 41 công ty quản lý quỹ) mua sản phẩm bảo hiểm này.
Do đó, theo cơ quan quản lý, thực tế cho thấy việc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư (nếu có) vì sự cố kỹ thuật chủ yếu do các công tư chứng khoán, quản lý quỹ tự thỏa thuận với nhà đầu tư và tính vào chi phí hoạt động của năm phát sinh, chưa có cơ chế dự phòng để đảm bảo công ty có nguồn bồi thường khi có sai sót kỹ thuật xảy ra. Nếu sai sót về mặt kỹ thuật xảy ra thường xuyên, giá trị bồi thường lớn thì công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ sẽ không có dự phòng để chi trả.
Theo Bộ Tài chính, từ thực tế hoạt động của thị trường thì việc thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư là cần thiết.