Nhiều Chính phủ cân nhắc về tài chính cho mục tiêu khí hậu

Theo Nguyễn Linh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Ngày 18/11, ủy ban Châu Âu (EC) có thể sẽ không phê duyệt các khoản viện trợ của Chính phủ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Chính phủ các nước phải cân nhắc kinh tế giữa những nỗ lực giải quyết các thách thức khẩn cấp.

Loại bỏ than và than nâu để đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh minh họa)
Loại bỏ than và than nâu để đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh minh họa)

EU sẽ không phê duyệt viện trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch

EC thông báo cơ quan này có thể sẽ không phê duyệt các khoản viện trợ của Chính phủ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, một phần trong kế hoạch điều chỉnh các quy định chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp khối này “xanh hơn”.

EC, cơ quan giám sát chính sách chống độc quyền của 27 quốc gia thuộc EU, đang xem xét lại các khoản viện trợ nhà nước của các Chính phủ để kiểm tra xem có sự cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường chung châu Âu hay không.

Việc liên tục rà soát các quy định về tài trợ của các nước châu Âu cũng nhằm cố gắng điều chỉnh cho phù hợp với các chính sách về biến đổi khí hậu của khối.

Trong một thông báo công bố ngày 18/11, EC cho biết, các quy định mới sẽ "hỗ trợ việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch".

Theo EC, những hỗ trợ của nhà nước đối với các dự án liên quan đến các loại nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là những loại gây ô nhiễm nhất như dầu mỏ, than và than nâu, không phù hợp với các quy tắc viện trợ của nhà nước.

Loại bỏ than và than nâu, một loại than phát thải cao, được coi là yếu tố quan trọng để EU đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

EC cho hay các quốc gia thành viên muốn có được sự chấp thuận của EU đối với các khoản viện trợ cho các dự án khí hóa thạch cũng cần giải thích cách họ đảm bảo các khoản đầu tư đó tuân thủ các mục tiêu khí hậu của EU và hạn chế lượng khí thải trong những năm tới.

Các nước EU đang chia rẽ về vai trò của khí đốt trong quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng carbon bằng 0. Khí đốt, một loại nhiên liệu hóa thạch, tạo ra khí thải CO2 khi bị đốt cháy trong các nhà máy điện, còn tại cơ sở hạ tầng khí đốt thải ra khí methane, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh.

Tuy nhiên, khí đốt tạo ra ít khí thải CO2 hơn so với than đá, và một số quốc gia Đông Âu phụ thuộc vào than coi nhiên liệu này là "cầu nối" giúp họ chuyển đổi từ năng lượng chạy bằng nhiên liệu than sang năng lượng tái tạo và trong một số trường hợp là năng lượng hạt nhân.

Các khoản chi cứu nền kinh tế do đại dịch COVID-19 quá lớn

Việc Chính phủ các nước triển khai những gói cứu trợ quy mô lớn để cứu nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 là nỗ lực ứng phó tài chính lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay.

Mặc dù giúp thúc đẩy thu nhập hộ gia đình và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng, các khoản chi quá lớn đã khiến nợ Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình lên đến gần 300.000 tỷ USD, gây nguy cơ khiến nguồn tài chính của nhiều quốc gia rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương.

Thực tế này buộc nhiều chính phủ phải cân nhắc giữa những nỗ lực giải quyết các thách thức khẩn cấp, như biến đổi khí hậu và sự già hóa dân số. 

Theo chuyên gia trên, để nền kinh tế toàn cầu có thể trung hòa carbon, thế giới cần ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều này đồng nghĩa với việc trong trung hạn cần tìm được nguồn tài trợ cho các mục tiêu khí hậu này.

Tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow (Anh) mới đây, các nước đã đưa ra một số cam kết mới nhằm giảm lượng khí thải carbon, nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết, trong đó có việc tài trợ cho các cam kết này và áp dụng vào thực tế như thế nào.

Theo IIF, nợ toàn cầu hiện ở mức 296.000 tỷ USD, gần đạt đỉnh vì tác động của dịch bệnh và có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu sinh học hay nhiên liệu hóa thạch, và hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới cần có sự đầu tư lớn trong cả lĩnh vực công và tư nhân, ước tính lên đến 90.000 tỷ USD vào năm 2030.