Lazada lộ tham vọng mới
Mới đây, Lazada, website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) công bố sẽ nâng tổng lượng mặt hàng chào bán trên website này từ 300.000 sản phẩm lên 500.000 sản phẩm trong quý IV/2015.
4 mục tiêu của Lazada từ nay đến cuối năm
Ông Trần Vũ Quang, Giám đốc thương mại mạng bán hàng trực tuyến Lazada cho biết, từ nay đến cuối năm, Lazada sẽ cố gắng hoàn thiện 4 mục tiêu, gồm: Thứ nhất, nâng tổng số nhà cung cấp từ 3.000 hiện nay lên 5.000, với 500.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau.
Thứ hai, dự kiến trong tháng 10 này, Lazada Việt Nam sẽ chính thức kết nối với mạng lưới các website bán hàng trực thuộc Lazada Group ở 6 nước và vùng lãnh thổ còn lại là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Thái Lan. Theo đó, khách hàng ở Việt Nam có thể đặt mua hàng trên các website Lazada đặt tại các quốc gia trên.
Thứ ba, cũng trong tháng 10, theo kế hoạch, Lazada Việt Nam sẽ công bố hợp tác với nhommua.com để mở rộng sang chào bán các sản phẩm dịch vụ, thay vì chỉ đơn thuần là hàng tiêu dùng như hiện nay.
Cuối cùng, trong tháng 11/2015, Lazada sẽ xem xét mở rộng hàng cung cấp sang các lĩnh vực khác như thực phẩm, hàng tiêu dùng, thay vì chỉ bán hàng điện tử, công nghệ, thời trang như hiện nay.
Các tuyên bố này cho thấy tham vọng bành trướng của Lazada rất lớn, Lazada làm gì để thực thi kế hoạch này?
Đầu tư kho để chủ động việc giao hàng
Một trong những tồn tại lớn của Lazada được nhiều khách hàng phản ánh, khiếu nại qua các trung tâm bảo vệ người tiêu dùng là chậm trễ trong việc giao hàng. Về vấn đề này, đại diện truyền thông của Lazada cho biết, hiện Công ty đang đầu tư xây dựng các kho tiếp vận (logistics) để chủ động trong việc giao hàng cho khách hàng, thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp như vừa qua. Theo tiết lộ của vị này, hiện nay, Lazada có 19 điểm giao nhận hàng trên toàn quốc và hai kho chứa hàng ở TP.HCM và Hà Nội.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, hiện Lazada đã đầu tư 4 kho chứa hàng diện tích 2.700 m2 ở TP.HCM và 2 kho diện tích 1.500 m2 ở khu vực Hà Nội. Mục tiêu của việc đầu tư này là Lazada muốn chuyển hết các mặt hàng về kho để quản lý, vận hành dễ dàng hơn.
Được biết, bắt đầu từ cuối năm 2014, Lazada đã tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp lớn, tham vọng của Lazada là cung cấp một giải pháp Fulfillment (tạm dịch là bán hàng toàn diện) ở Việt Nam. Theo đó, các đối tác chỉ việc chuyển hàng vào kho, việc quảng cáo, bán hàng, xuất hàng, quản lý hàng tồn kho… sẽ là phần của Lazada.
Hiện Lazada sử dụng một đội ngũ giao hàng do Công ty phát triển là Lazada Express và nhiều đối tác khác như Viettel Post, VNPT, Kerry TTC, Giaohangnhanh…
Lazada cũng đang xúc tiến việc triển khai giải pháp bán hàng toàn diện vì muốn giành lợi thế cạnh tranh trước Amazon, trang web thương mại điện tử đa quốc gia có trụ sở đặt tại Mỹ.
Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh của Lazada cũng gặp những rào cản nhất định, khách hàng Việt Nam khi mua hàng trực tuyến ở các nước có hệ thống giao hàng của Lazada sẽ không dễ dàng. Vấn đề không xuất phát từ các website của Lazada, vì tất cả đều đã chuẩn hóa theo quy trình thống nhất, vấn đề nằm ở quy định của cơ quan hải quan các nước.
“Tất cả hàng nhập khẩu đều phải khai báo, nhưng chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên, không thực hiện đóng thuế hàng sẽ bị hải quan giữ lại ở cửa khẩu, trong khi cùng một danh mục hàng nhưng đóng theo biểu thuế nào lại là vấn đề lớn, vì hải quan và người khai báo đôi khi không đồng thuận với nhau về cách áp dụng để tính thuế. Đây sẽ là một trở ngại lớn nếu Lazada triển khai dịch vụ này”, một chuyên gia phân tích.
Trên thực tế, Zalora, website chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang cũng do Rocket Internet đầu tư đã tiến hành áp dụng hình thức đặt hàng từ các website thành viên của Zalora ở các nước nhưng gặp rắc rối về thời gian giao hàng với tình cảnh tương tự. Đây là khó khăn ngoài tầm kiểm soát của các mạng kinh doanh trực tuyến hiện nay.