Lean - Phương pháp giúp doanh nghiệp loại bỏ lãng phí, tăng năng suất chất lượng

Nga Phạm

Nhờ loại bỏ lãng phí, giảm chi phí, phương pháp Lean (sản xuất tinh gọn) đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với những lợi ích mang lại, đến nay Lean đã được các doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp áp dụng rộng rãi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các nhà nghiên cứu, Lean là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và tập trung vào việc tạo thêm giá trị cho khách hàng cùng lúc với việc loại bỏ các lãng phí trong quá trình sản xất, cung cấp dịch vụ, từ đó giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực, rút ngắn quy trình sản xuất, tăng khả năng đáp ứng linh hoạt, qua đó tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Phương pháp này tập trung vào việc nhận diện và loại bỏ các hoạt động không tạo thêm giá trị nhưng lại làm tăng chi phí trong chuỗi các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ. Đây cũng là phương pháp sản xuất tinh gọn được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Chính bởi những ưu điểm này mà Lean là một phương pháp được các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đặc biệt ưa thích và áp dụng.

Thực tế ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã có nhiều công ty ứng dụng Lean và đạt được những thành công vượt trội. Nổi trội trong số các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả có thể kể tới các doanh nghiệp trong ngành Dệt may.

Phương pháp sản xuất tinh gọn – Lean được giới thiệu đến các công ty dệt may Việt Nam bắt đầu từ những năm 2006. Năng suất tăng, tỷ lệ hàng lỗi giảm, thời gian làm việc rút ngắn lại, chi phí sản xuất giảm, thu nhập người lao động tăng… là những gì mà các doanh nghiệp dệt may tổng kết được sau khi triển khai thành công phương pháp sản xuất tinh gọn.

Cách đây đúng tròn 15 năm, năm 2007, Tổng Công ty May 10 đã triển khai áp dụng Lean. Nhờ đó, năng suất lao động của Tổng Công ty đã tăng tới 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm tới 8%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm. Thêm vào đó giờ làm được giảm bớt 1 giờ/ngày, không cần tăng ca kíp mà thu nhập lao động cũng tăng trung bình 10%. 

Một ví dụ thành công khác đó là Tổng công Cổ phần Dệt may Hòa Thọ. Trước khi áp dụng Lean, trên dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty thường bị tồn động khi chuyển công đoạn. Lean đã giúp giảm hàng tồn trên dây chuyền từ 30 xuống còn 3 sản phẩm. Tốc độ sản xuất đã tăng lên, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn. Từ đó giúp giảm hàng lỗi từ 20% xuống còn 8%.

Sau khi tiến hành áp dụng phương pháp Lean, hiệu quả mang lại cho Dệt may Hòa Thọ trước hết phải kể tới hiệu quả sử dụng mặt bằng nhà xưởng. Diện tích sử dụng được thu gọn, hàng hóa sắp xếp khoa học, giảm thiểu thời gian lãng phí khi di chuyển trong nhà xưởng. Nhờ đó, tư tưởng người lao động được ổn định, cầu tiến, đặc biệt không cần làm thêm giờ mà thu nhập vẫn tăng. 

Tương tự, năm 2013, Tổng Công ty May Nhà Bè (NBC) đã đưa Lean vào áp dụng trong toàn đơn vị. Từ đó đến nay, Tổng Công ty liên tục thực hiện các cải tiến sản xuất. Trước hết là triển khai đồng loạt Lean cho một loại sản phẩm, sau đó triển khai cho cả tổ sản xuất. Kết quả áp dụng Lean đã giúp NBC tăng năng suất toàn hệ thống hơn 20%. Các dây chuyền sản xuất ổn định, kiểm soát theo từng giờ sản xuất. Giờ làm việc của người lao động cũng giảm 1h/ngày, thêm 1 ngày nghỉ cho nhân viên. Thậm chí các ca kíp làm việc cũng bỏ hoàn toàn. Hàng lỗi giảm từ 20% còn 3%.

Có thể khẳng định, năng suất chất lượng là yếu tố quan trọng cốt lỗi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mỗi doanh nghiệp sử dụng các phương pháp, công cụ khác nhau phù hợp với nguồn lực và hiện trạng của mình.

Lean chính là phương pháp nhằm giúp doanh nghiệp nhận diện và loại bỏ các lãng phí, các bất hợp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc sử dụng các kỹ thuật của công cụ Lean để đưa ra các giải pháp cải tiến vấn đề năng suất, chất lượng nhằm giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Lean bao gồm nhiều công cụ quản lý đã được đúc rút từ thực tiễn và hệ thống hóa giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận phương pháp quản lý hiện đại mà không mất nhiều công sức, thời gian để nghiên cứu. Phương pháp quản lý tinh gọn cho phép các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau có thể lựa chọn các công cụ và cách áp dụng phù hợp với đặc điểm và hiện trạng của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, để có thể tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải liên tục cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Với việc loại bỏ sự lãng phí trong sản xuất đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.