Leo thang căng thẳng, Mỹ đưa hơn 10 doanh nghiệp Trung Quốc vào “danh sách đen”

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Giới chức Mỹ đã luôn phàn nàn rằng doanh nghiệp Trung Quốc là cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc và họ thu thập thông tin thay mặt cho quân đội Trung Quốc.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa khoảng hơn 10 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trong ngày thứ Tư, họ viện dẫn đến lý do an ninh quốc gia cũng như lo ngại về chính sách ngoại giao.

Theo CNBC, 8 công ty công nghệ trụ sở tại Trung Quốc bị phía Mỹ coi như có vai trò hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc và đồng thời cố gắng thu mua những linh kiện có nguồn gốc Mỹ nhằm hỗ trợ cho các ứng dụng trong quân đội.

Giới chức Mỹ đã luôn phàn nàn rằng doanh nghiệp Trung Quốc là cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc và họ thu thập thông tin thay mặt cho quân đội Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ đồng thời cũng lên danh sách 16 công ty và cá nhân Trung Quốc hoạt động tại Trung Quốc và Pakistan bởi công việc của họ có liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Islamabad. Tính chung, chính quyền Biden bổ sung 27 tổ chức và cá nhân trụ sở tại Trung Quốc, Pakistan, Nga, Nhật và Singapore vào danh sách đen.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhận xét: “Thương mại toàn cầu nên hỗ trợ cho hòa bình, thịnh vượng và nhiều công việc có ý nghĩa khác chứ không phải tạo ra rủi ro an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ cam kết sẽ sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm bảo vệ an ninh quốc gia”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa phản hồi các đề nghị bình luận. Danh sách của Bộ Thương mại Mỹ đưa ra danh sách những biện pháp hạn chế thương mại với cá nhân và tổ chức được tin là có liên quan đến các hoạt động không có lợi hoặc không phù hợp với cộng đồng.

Thế giới đang hướng đến một trạng thái rất nguy hiểm nếu Washington và Bắc Kinh không thể bình thường hóa quan hệ của họ, theo tuyên bố của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson trong bài phát biểu vào ngày thứ Hai trong diễn đàn kinh tế mới đây ở Singpaore.

Tuyên bố cứng rắn mới nhất được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên, họ phát đi thông điệp sẽ củng cố cho một cái nền vững chắc cho quan hệ giữa hai nước.

Dù rằng cuộc đối thoại mới nhất có thể coi như đúng hướng, nhưng một cuộc gặp gỡ sẽ không thể giải quyết được căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Paulson cảnh báo.

“Chúng ta cần thêm những sự rõ ràng liên quan đến việc Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh với nhau như thế nào, sẽ hợp tác trong những lĩnh vực nào và sẽ đối đầu trong lĩnh vực nào. Nếu không, thế giới đang hướng đến một trạng thái nguy hiểm”, ông Paulson nói.

“Chúng ta không nên bỏ qua việc một sự thất bại kiểu đó có ý nghĩa như thế nào với thế giới. Các cường quốc lớn thường không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, lịch sử đầy những câu chuyện về việc nước lớn rơi vào chiến tranh. Chúng ta không nên chỉ trông đợi vào những cái đầu lạnh hay các thiên thần”, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu của mình, ông Paulson, người vào năm 2018 từng cảnh báo về “tấm rèm sắt về kinh tế” chia rẽ thế giới, cho rằng cần có những cơ chế nhằm ngăn sự tách rời giữa hai nền kinh tế nếu không sẽ dẫn đến khủng hoảng.

“Tình trạng tách rời nhau về mặt tài chính là không khả thi, và bản thân việc tách rời một phần cũng sẽ khiến cho Mỹ, Trung Quốc và thế giới dễ chịu tổn thương từ các cuộc khủng hoảng tài chính”, ông Paulson lo ngại.

Việc tách rời khỏi Trung Quốc cũng sẽ làm yếu đi vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ và gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ.

Trong cuộc họp trực tuyến cấp cao mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng nước Mỹ vẫn cam kết với chính sách “một Trung Quốc”, theo đó Washington thừa nhận và thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh chứ không phải Taipei, theo báo Nikkei đưa tin.