Tỉnh Bình Dương:
Liên kết để phát triển và bảo vệ môi trường bền vững
Trong quy hoạch phát triển đô thị văn minh, bền vững, Bình Dương xác định con người với sự sáng tạo không ngừng nghỉ sẽ là trung tâm của chiến lược. Mô hình liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học và người dân sẽ là một trong những mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sống trong lành.
Hổ trợ chéo
Trên cơ sở tham quan, học hỏi những mô hình phát triển tiên tiến từ các quốc gia phát triển, Bình Dương đưa ra những định hướng phát triển mang tính chiến lược với việc đề cao công tác quản lý của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong khi đó, các nhà khoa học sẽ được tạo điều kiện tối đa để tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, phát minh ra những công nghệ, kỹ thuật mang tính ứng dụng thực tiễn cao.
Khi những phát minh, sáng chế được hội đồng khoa học thông qua, Nhà nước sẽ đóng vai trò làm cầu nối để các nhà đầu tư và nhà khoa học gặp gỡ, đàm phán về việc nhân rộng công nghệ, kỹ thuật mới. Cuối cùng, công nghệ mới được hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chuyển dần thành một dạng sản phẩm của thị trường, Nhà nước sẽ một lần nữa đóng vai trò cầu nối để mang những ứng dụng này đến với người dân.
Ông Trần Quang Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết với đặc thù là địa phương thuần nông, Dầu Tiếng đang cần những giải pháp mang tính đột phá để từng bước tái cơ cấu nền kinh tế huyện nhà. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào các công đoạn sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp người nông dân trở nên nhàn hạ hơn trong công việc mà còn giúp gia tăng đáng kể năng suất, sản lượng các loại nông sản.
Cụ thể, đến nay địa bàn huyện Dầu Tiếng đã có gần 2.000 ha diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi, tái cơ cấu thành những mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, như trang trại chuối Dole công nghệ cao kết hợp giữa Unifarm và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng; các trang trại và HTX chuyên canh cây có múi ven sông Sài Gòn ở Thanh Tuyền, Thanh An...
Có thể khẳng định, thành quả, thành tựu ấy đến từ sự hợp tác, hỗ trợ chéo giữa Nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học và người dân.
Phát triển gắn với bảo vệ môi trường
Để bảo đảm môi trường sống được gìn giữ, bảo vệ song hành với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương thường xuyên cử cán bộ tham gia các buổi hội thảo khoa học về các giải pháp bảo vệ môi trường trong tình hình mới.
Theo đó, cán bộ chú trọng bám sát các vấn đề liên quan đến công nghệ tái chế, tận dụng và xử lý dứt điểm các loại chất thải. Từ đó phối hợp tổ chức những hội thảo về công nghệ thu gom, xử lý và tái chế những phế phẩm nguy hại cho môi trường trở thành những sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Văn Tỵ, nông hộ chuyên canh mô hình vườn ao chuồng tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa tận dụng tốt các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn khiến lượng rác thải ra ngoài môi trường tăng mạnh mỗi ngày. Theo ông Tỵ, nếu sớm nghiên cứu ra phương pháp tận dụng các loại vỏ trái cây trở thành những sản phẩm phục vụ công nghệ thực phẩm và y khoa thì vấn đề về môi trường và định hướng ngành nghề kinh tế mới sẽ sớm xuất hiện.
Phát biểu trong hội thảo khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu mới đây, lãnh đạo tỉnh đã gợi ý với các nhà khoa học và các doanh nghiệp tham gia xử lý môi trường về việc nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới. Theo đó, tỉnh sẽ có hướng đầu tư, hỗ trợ những dự án có tính ứng dụng thực tiễn và có tầm ảnh hưởng tới nền kinh tế - xã hội.
Thực hiện lời kêu gọi của tỉnh Bình Dương, thời gian qua có nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu về những công nghệ, kỹ thuật tận dụng, tái chế các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Tiêu biểu trong đó có những dự án, như: Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động; phòng LAP hỗ trợ các dự án, đề án khoa học tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC); công trình nghiên cứu các nhóm vật liệu xây dựng mới của các nhà khoa học và doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh; ứng dụng giảm lượng phát thải khí nhà kính do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các nhà khoa học đang thực hiện…
Đối với địa phương có nền kinh tế đặc thù là mô hình các khu, cụm công nghiệp phát triển dày đặc, ưu tiên số một của Bình Dương là các vấn đề liên quan đến rác thải công nghiệp và sinh hoạt đang có xu hướng gia tăng mỗi ngày. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần sự vào cuộc một cách quyết liệt và nghiêm túc của Nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học và mỗi người dân, chung tay bảo vệ, gìn giữ môi trường sống bền vững, xanh - sạch - đẹp.