Liên kết phát triển du lịch: Nhìn từ thực tế các địa phương
Trong điều kiện hội nhập, đặc biệt sau sự kiện Việt Nam tham gia TPP và AEC, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng đưa ngành du lịch phát triển, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương.
Thực trạng liên kết vùng
Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp đóng góp một phần quan trọng cho phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch không chỉ nằm trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương, một quốc gia, một khu vực.
Việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay giúp người dân đi lại tự do và một nghiên mới đây của Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho thấy trong 10 – 15 năm tới, số người trung lưu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng nhanh mà giới trung lưu tăng lên thì họ đi du lịch nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn. Đây chính là cơ hội rất tốt cho ngành Du lịch Việt Nam tận dụng cơ hội thu hút khách.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, hiện nay việc gắn kết, cùng phát triển du lịch giữa các địa phương đã được triển khai và có nhiều sự thuận lợi hơn nhờ cơ sở hạ tầng đang ngày càng được Nhà nước đầu tư xây dựng nhằm phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Theo TS. Trần Du Lịch, nếu không liên kết phát triển du lịch, để địa phương nào cũng tự phát sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước ASEAN.
Trong khi đó, PGS.,TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương lại cho rằng, nếu không có chiến lược liên kết phát triển du lịch thì tài nguyên sẽ bị khai thác đến… hoang tàn. Thực tế cũng cho thấy, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà biên giới du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền.
Mỗi vùng có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách. Trong đó, sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch của 3 địa phương Huế - Quảng Nam – Đà Nẵng là một minh chứng.
Trong những năm qua, sự phối hợp tổ chức các hoạt động chung của 3 tỉnh đã tạo nên những thuận lợi nhất định từ công tác quản lý nhà nước đến xác định thị trường trọng điểm, xây dựng sản phẩm đặc thù. Tại Hội nghị tổng kết hoạt động liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, cho thấy hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chung của 3 địa phương là rất tốt, nhất là sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, quảng bá, giới thiệu, qua đó giúp tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương nhưng vẫn làm cho sản phẩm mang tính liên vùng.
Việc bắt tay liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cũng như trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch trong những năm qua đã góp phần từng bước định vị thương hiệu du lịch 3 địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị nhất ở Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động chung, nhất là trong công tác quảng bá xúc tiến, du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã từng bước hướng đến sự chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều chương trình quảng bá đã được 3 địa phương phối hợp xây dựng chiến lược cùng xúc tiến như “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam - Hành trình di sản”; “Lăng Cô huyền thoại biển”; “Ba địa phương - một điểm đển”… Cùng với đó, các chương trình tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được mở rộng trong và ngoài nước. Chỉ riêng năm 2015, công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh đến các thị trường như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, các tỉnh Tây Nam Bộ; Tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch ITE-HCM, Hội chợ JATA và chương trình giới thiệu du lịch 3 địa phương tại Nhật Bản…
Kết quả rõ nét nhất của sự hợp tác liên kết giữa 3 địa phương chính là đã đưa thương hiệu du lịch miền Trung đến với du khách trong và ngoài nước như là điểm đến lý tưởng của Việt Nam, từ đó góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo thêm công ăn việc làm và ngân sách cho các địa phương. Theo đó, tính đến tháng 12/2015, tổng lượt khách tham quan, lưu trú ở Quảng Nam ước đạt 3,85 triệu lượt, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014 (khách quốc tế ước đạt 1,9 triệu, tăng 6,67%; khách nội địa đạt khoảng 1,96 triệu, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước).
Doanh thu du lịch ước đạt 2.570 tỷ đồng, tăng gần 16% so với 2014, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 6.039 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2015, du lịch Đà Nẵng đạt 4,6 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2014 (khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2014, khách nội địa đạt 3,4 triệu lượt, tăng 19,2 % so với năm 2014). Tổng thu du lịch trong năm 2015 cán mốc 12.768 tỷ đồng, tăng 29% và đạt 108,2% kế hoạch. Đối với Thừa Thiên Huế, tính đến cuối tháng 12/2015, tổng lượng khách đến tỉnh này đạt 3.126.495 lượt, tăng 13,08% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 1.023.015 lượt, khách nội địa đạt 2.103.480 lượt; khách du lịch qua đường tàu biển là 75.775 lượt). Doanh thu du lịch ước đạt trên 2.985 tỷ đồng, tăng 2,15% so với cùng kỳ...
Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch
Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa mỗi địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều.
Do vậy, để hướng đến sự chuyên nghiệp và đa dạng, với vai trò là trưởng nhóm liên kết năm 2016, mới đây, Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch liên kết phát triển du lịch 3 địa phương Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nhằm phát huy tính liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch chung, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của ba địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam.
Theo đó, năm 2016, ba địa phương này sẽ đẩy mạnh liên kết để xúc tiến du lịch thông qua việc tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế như: Hội chợ ITB Berlin 2016 và tổ chức roadshow giới thiệu du lịch 3 địa phương tại CHLB Đức (9-13/3); Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2016 (tháng 4); Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP. Hồ Chí Minh 2016 (tháng 9); hội chợ JATA Nhật Bản 2016 (tháng 9)... Để hỗ trợ cho công tác xúc tiến du lịch, ba địa phương sẽ tiến hành xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm chung như: Tập gấp chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch ba địa phương 2016; Phát hành đĩa phim du lịch ba địa phương, tái bản cẩm nang du lịch. Bên cạnh đó, ba địa phương tiếp tục phối hợp xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu du lịch 3 địa phương; Tổ chức hội chợ du lịch MICE và xúc tiến mở 2 đường bay mới: Bangkok – Đà Nẵng, Osaka – Đà Nẵng; Tổ chức đón các đoàn quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Nga...) đến tham quan, khảo sát và viết bài về du lịch ba địa phương; Đón và hỗ trợ các đoàn làm phim đến thực hiện phim giới thiệu du lịch ba địa phương...
Đặc biệt, xác định chính sách quản lý phát triển du lịch, sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch là những yếu tố quan trọng góp phần thay đổi diện mạo của du lịch địa phương, nên năm 2016, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch liên kết phát triển toàn diện với nhiều hoạt động cụ thể. Theo đó, về chính sách quản lý và phát triển du lịch: sẽ tiến hành xây dựng bộ thông tin chung về du lịch vùng nhằm tổng hợp và cập nhật thông tin chung tham mưu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch 3 địa phương, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách liên kết vùng; liên kết hoạt động thanh tra nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn, xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh.
Về phát triển sản phẩm du lịch: khuyến khích Hiệp hội Du lịch và DN xây dựng các tour du lịch theo 3 chủ đề: Con đường di sản, Trung tâm du lịch thiên đường biển, Con đường sinh thái gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững; liên kết các lễ hội với các hệ thống đặt giữ chỗ khách sạn nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của khách du lịch tại ba địa phương. Về phát triển nguồn nhân lực: tổ chức các khóa đào tạo tiếng Nhật, Trung, Hàn tại ba địa phương với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách từ thị trường Đông Bắc Á; Tổ chức hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế trong đào tạo du lịch tại miền Trung góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về du lịch trong vùng...
Một vài đề xuất
Để hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương đạt được hiệu quả cao, cần chú trọng các giải pháp sau đây:
Một là, để phát triển du lịch vùng, các địa phương nên có chính sách khuyến khích các DN lữ hành xây dựng những tour du lịch mới nhằm thu hút khách quốc tế đến. Cần phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh cho ngành du lịch 3 địa phương. Cần tập trung đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của các địa phương với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng phong phú.
Hai là, các tỉnh liên kết nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương. Thực tiễn ở nhiều vùng, sự liên kết du lịch khó hiệu quả vì các địa phương đều có các sản phẩm du lịch na ná giống nhau. Mỗi tỉnh tìm ra lợi thế riêng, tạo sản phẩm riêng để phát huy thế mạnh của liên kết vùng.
Ba là, muốn đẩy mạnh được liên kết vùng cần coi trọng vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhờ quảng bá chung nên các tỉnh đã tạo ra hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến, đồng thời tiết kiệm được chi phí. Ðối với khách quốc tế, nên hợp tác chặt để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả khu vực. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh như: cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các DN du lịch, tổ chức những đoàn khảo sát cho báo chí trong nước và ngoài nước để tuyên truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ kinh tế-xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Theo đó, tạo cơ chế khuyến khích DN liên kết đầu tư phát triển du lịch liên vùng, thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”. Các địa phương có thể đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa trên cơ sở đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP), nguồn vốn tư nhân, vốn ODA, vốn phát hành trái phiếu địa phương…
Năm là, phải tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch địa phương trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm và thực hiện quy hoạch chung những vùng giáp ranh, quy hoạch tổng thể và chi tiết các tuyến, điểm du lịch trọng yếu. Khi có quy hoạch, cần tập trung quản lý, không để chiếm đất và đầu tư tràn lan, làm phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư du lịch.
Sáu là, đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực du lịch cần dựa trên đặc điểm của từng khu vực để có sự chuẩn bị phù hợp với nhu cầu nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi vùng. Trong công tác đào tạo, không chỉ có nhà trường mà DN cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nhân lực. Nhà trường và DN cần kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho người học tiếp cận hết các kiến thức lý thuyết và thực tiễn.
Bảy là, cần hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong khai thác, kinh doanh du lịch, không để bị “thương mại hóa” hoặc bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch biển… Khai thác gắn chặt với bảo về tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống các hành vi nâng giá, “chặt chém”, lừa gạt du khách.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết 2015 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 3 tỉnh Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng;
2. Báo Quảng Nam, Ba địa phương - một điểm đến (2016);
3. Một số trang web: Tổng cục Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.