Liên kết sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL
Ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đã ký kết thực hiện kế hoạch liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười nhằm phát huy lợi thế gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học ký thuật mới trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của mỗi địa phương, cũng như của toàn vùng.
Ngày 27/9, tại Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp tổ chức Hội nghị về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL và kế hoạch liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười.
Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo của 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ĐBSCL là trung tâm chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam, đóng góp hơn 40% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
Đây cũng là nơi khởi xướng nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng trong cả nước. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, ĐBSCL đang chịu những tác động từ tự nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên nguy cơ “nhấn chìm” nhanh hơn dự báo.
Những khó khăn trên buộc chúng ta phải tìm cách thích ứng, tuy nhiên cũng nên thấy rằng chính sự khó khăn này cũng tạo ra dư địa để cơ cấu lại phương thức sản xuất và quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần phải nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, sau 3 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. ĐBSCL là nơi khởi xướng hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, đặc biệt là mô hình liên kết sản xuất được nhân rộng trong cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đòi hỏi phải sớm tìm ra cách thích ứng.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhìn nhận, với nguồn tài nguyên ngày càng ít, sản xuất nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học kỹ thuật thấp... đang đặt ra thách thức cho vùng.
Đứng trước yêu cầu cấp bách, Đồng Tháp đã đề xuất xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, được Chính phủ thống nhất và đánh giá cao. Sau thời gian thương thảo, các bên đã đi đến thống nhất khung đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Tại hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận thực hiện đề án với mục tiêu xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp tạo ra “tác dụng kép” vì vừa có thể khắc phục được những hạn chế trong sản xuất, vừa ứng phó với những thách thức mới. Đối với ĐBSCL, tái cơ cấu trở nên bức thiết hơn bao giờ hết do phải thích ứng với biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, đồng thời phối hợp với Bộ NN-&ương hiệu.
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ TN&MT, trên cơ sở đó Bộ KH&ĐT rà soát, hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Bộ NN&PTNT sớm có quy hoạch sản xuất cho vùng gắn chặt với đặc điểm từng tiểu vùng, hay đặc điểm tài nguyên nước của vùng để triển khai.
Cũng tại hội nghị Phó Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết thực hiện kế hoạch liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười của 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, nhằm phát huy lợi thế về tự nhiên, tập quán canh tác gắn với ứng dụng tiến bộ KHKT mới trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của mỗi địa phương, cũng như của toàn vùng.