Liên kết vùng không chỉ là “con số cộng”

Theo daibieunhandan.vn

Liên kết nói chung, liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười không phải là “con số cộng” của 3 tỉnh Long An - Đồng Tháp - Tiền Giang, mà sẽ tạo điều kiện, nền tảng cho 3 tỉnh phát triển nhanh hơn, cùng chia sẻ thông tin, lợi ích kinh tế để phát triển bền vững. HĐND các địa phương phải nâng cao vai trò giám sát việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nền tảng phát triển nhanh, bền vững

Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế, đồng thời nằm trong khu vực liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng vùng Đồng Tháp Mười vẫn chưa có cơ chế liên kết cụ thể để phát huy thế mạnh; nhiều chủ trương, chính sách phát triển của Trung ương, cũng như của các địa phương chưa phát huy được hiệu quả; kết cấu hạ tầng thiếu, yếu và không đồng bộ nên hạn chế kết nối liên hoàn trong nội vùng và liên vùng.

Vì vậy, việc xây dựng mối liên kết vùng là cần thiết và mang tính cấp bách. Liên kết nói chung, liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười không phải là “con số cộng” của 3 tỉnh Long An - Đồng Tháp - Tiền Giang, mà sẽ tạo điều kiện, nền tảng cho 3 tỉnh phát triển nhanh hơn, cùng chia sẻ thông tin, lợi ích kinh tế vùng để phát triển bền vững.

Thuận lợi là ngày 6/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg về Quy chế thí điểm liên kết phát triển KT - XH vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 và đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Theo đó, Tỉnh ủy 3 tỉnh đã đồng chủ trì cuộc họp và thống nhất ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, với mục tiêu xây dựng và phát triển Tiểu vùng trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, có vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông thủy sản; nguồn nước phục vụ phát triển KT - XH cho các địa phương trong vùng; đồng thời tạo sự thống nhất trong quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, quản lý tài nguyên bền vững vùng Đồng Tháp Mười trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, khai thác hợp lý tiềm năng và thế mạnh của Tiểu vùng.

Cụ thể: Liên kết nhằm phát huy chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực như liên kết tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản cho lúa gạo, trái cây và thủy sản trong Tiểu vùng.

Liên kết xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng như các công trình trọng điểm cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020: Quốc lộ N1, Quốc lộ N2, Quốc lộ 30, Quốc lộ 62, kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng…; bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước tiết kiệm hiệu quả; các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Liên kết về Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch.

Liên kết để khuyến nghị chính sách phát triển bền vững Tiểu vùng với Chính phủ, vận động các tổ chức quốc tế ủng hộ việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mêkông. Liên kết để xây dựng các chương trình, dự án của Tiểu vùng liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL… để thu hút các nguồn tài trợ quốc tế.

Cần sự phối hợp HĐND

Thực hiện Quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ, cần sự phối hợp với HĐND các tỉnh trong Tiểu vùng - Thực hiện tốt công tác thẩm tra Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đạt hiệu quả cao nhất. Quan tâm thẩm tra, rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển KT - XH; quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) và các quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của từng địa phương cho phù hợp với Đề án.

Giám sát công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện của Ban Điều hành Đề án (UBND tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang). Đồng thời, khuyến nghị Trung ương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương, ODA, vốn của các tổ chức quốc tế đầu tư xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng.

HĐND từng địa phương cũng cần xem xét thống nhất báo cáo chủ trương đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm liên kết liên vùng trong Đề án và chủ động bố trí vốn thực hiện.

Tăng cường khảo sát, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án, cụ thể như: Việc triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển KT - XH; kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn cuối (2016 - 2020) và các quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của từng địa phương; các chính sách ưu đãi hỗ trợ phục vụ cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn và trong Tiểu vùng; các công trình, dự án kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng như các công trình trọng điểm cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 và tình hình quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sử dụng tài nguyên nước trong vùng liên kết...