Đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững

TS. Đặng Thị Thu Hoài - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng xuất phát từ những hạn chế của mô hình tăng trưởng thời gian qua cùng với những thay đổi của bối cảnh mới. Bài báo tập trung phân tích về yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, từ đó nêu ra các định hướng đổi mới và một số nhóm giải pháp chủ yếu thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng

Đại hội Đảng lần thứ XI đã đưa ra chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, hướng đến mô hình tăng trưởng chất lượng hơn, năng suất cao hơn và gắn với tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục xác định đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016-2020.

Sau những thành tựu trong hơn 30 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp... Trước thực tế đó, cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng nếu muốn phát triển nhanh và bền vững:

Thứ nhất, mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào đang mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng thấp. Tốc độ tăng trưởng dựa vào những ngành tận dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, do đó khi giá lao động tăng và tài nguyên ngày càng cạn kiệt, lợi ích đầu tư của các ngành đó giảm dẫn đến tình trạng suy giảm tăng trưởng.

Thứ hai, vai trò và đóng góp của tri thức, vốn con người và đổi mới sáng tạo trong mô hình hiện nay còn khiêm tốn, chưa thể hiện khả năng chuyển đổi từ tăng trưởng chiều rộng sang kết hợp với chiều sâu trong đó phát huy vai trò của tri thức, vốn con người và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) và chất lượng lao động trong tăng năng suất lao động giai đoạn 2000-2012 của Việt Nam rất thấp, khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, kể cả Campuchia.

Thứ ba, mô hình tăng trưởng hiện nay có hiệu quả thấp, năng suất thấp và năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, tăng trưởng dưới mức tiềm năng và thiếu bền vững. Hiệu quả sử dụng của hầu hết các yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn, đất đai, tài nguyên, lao động còn rất thấp, chưa thấy dấu hiệu được cải thiện theo thời gian. Năng suất lao động, năng suất vốn, năng suất yếu tố tổng hợp có gia tăng nhưng còn thấp, so với các nước trong khu vực.

Hình 3 cho thấy, ở Việt Nam, mức đóng góp của TFP cho tăng trưởng còn thấp, thậm chí còn ở mức âm, thể hiện tính không hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực. Đóng góp của TFP cho tăng trưởng giai đoạn 2001-2005 là 11,9%, giai đoạn 2006-2010 là - 4,6% và giai đoạn 2011-2015 là 28,9%.

Thứ tư, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa tạo ra được cơ chế vận hành hay động lực để biến lợi thế cạnh tranh tĩnh thành lợi thế cạnh tranh động, do đó thiếu tính bền vững. Mô hình hiện nay mới chỉ khai thác lợi thế cạnh tranh tĩnh (như lao động giản đơn, đất đai, khí hậu, tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên), khả năng tận dụng những lợi thế đó để tạo ra lợi thế động theo thời gian hầu như không có do đó khó có thể bền vững theo thời gian.

Mô hình tăng trưởng đó dẫn đến tình trạng mặc dù sản xuất ngày càng nhiều giá trị gia tăng mang lại cho mỗi sản xuất tăng thêm ngày càng ít. Nếu năm 2000, tỷ trọng giá trị gia tăng/giá trị sản xuất của nền kinh tế là 41,4% thì tỷ trọng này nãm 2012 chỉ còn 32,7%.

Thứ năm, mô hình tăng trưởng có dấu hiệu mất cân đối giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng, môi trường, xã hội. Tăng trưởng kinh tế đang kéo theo tốc độ suy thoái môi trường tự nhiên một cách nhanh chóng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm môi trường sinh thái ngày càng trầm trọng không những suy giảm chất lượng sống mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng trong tương lai.

Mô hình tăng trưởng hiện nay dẫn đến gia tăng bất bình đẳng, tính “bao trùm” của tăng trưởng có xu hướng giảm dần. Hệ số co giãn việc làm với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm dần (Hình 4). Việc làm có thu nhập phù hợp ngày càng ít, chủ yếu vẫn là việc làm nông nghiệp và phi chính thức, tương ứng chiếm khoảng 46,5% và 32,2% tổng số việc làm trong nền kinh tế. Bất bình đẳng về cơ hội, thể hiện trong bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và y tế có chất lượng vẫn còn cao.

Thứ sáu, bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi làm cho mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã không thể phát huy được tác dụng cao như trước đây. Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng mạnh đến nước ta, đặc biệt đối với phát triển nông nghiệp, do đó yêu cầu đặt ra là cần phát triển theo chiều sâu, nâng cấp chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp thông minh và hiệu quả hơn.

Đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 1
Bên cạnh đó, dân số sắp bước vào thời kỳ già hóa, giá lao động ngày càng gia tăng. Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho khả năng quay lại của chủ nghĩa bảo hộ quốc tế, Việt Nam sẽ vẫn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thành lập với việc tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tự do lưu chuyển vốn và lao động có tay nghề; các hiệp định tự do thương mại thế giới mới quan trọng như với EU và TPP với những cam kết chưa từng có về quyền người lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu và mua sắm công, bảo vệ sở hữu trí tuệ... đã được ký kết, đang chờ phê chuẩn.

Do đó, áp lực bên ngoài đối với cải cách và yêu cầu nội tại kết nối với bên ngoài, nhất là kết nối thể chế, kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, diễn biến mất ổn định kinh tế, chính trị trên thế giới và trong khu vực yêu cầu nước ta phải nhanh chóng củng cố tiềm lực kinh tế, chủ động, sẵn sàng cho những diễn biến khó lường trong khu vực và trên thế giới.

Thứ bảy, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc giục đổi mới mô hình tăng trưởng để đối phó với những thách thức và nguy cơ, đồng thời tận dụng được các cơ hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo đột phá công nghệ, thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, có khả năng tạo ra nhiều cơ hội để gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khu vực và mỗi quốc gia. Tuy vậy, nhiều thách thức cũng sẽ tạo ra. Lợi thế về lao động, nhất là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể; các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế và sẽ bị thu hẹp. Tiến bộ công nghệ sẽ gia tăng nhu cầu lao động có kỹ năng cao, làm trầm trọng thêm khoảng cách thu nhập giữa lao động có kỹ năng và không có kỹ năng.

Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng

Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới cần tập trung vào những điểm sau:

Đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 2
Một là, nên đặt trọng tâm vào chất lượng tăng trưởng để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn. Theo đó, yếu tố vốn con người và khoa học công nghệ phải dần trở thành yếu tố then chốt đóng góp cho tăng trưởng đồng thời chú trọng đến tác động môi trường và xã hội.

Trong giai đoạn tới, mô hình tăng trưởng phải thể hiện xu hướng dịch chuyển rõ ràng theo hướng nâng dần và đảm bảo hướng tới đích cuối cùng là tăng trưởng được dẫn dắt bởi vốn con người, khả năng sử dụng và tích lũy năng lực sáng tạo và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.   

Đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 3

Hai là, cần định hướng lại chính sách huy động nguồn lực, trong đó tập trung phát huy nội lực. Động lực của mô hình tăng trưởng mới là năng lực nội sinh của nền kinh tế trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả các nguồn ngoại lực. Khu vực tư nhân trong nước phải được tạo điều kiện để ngày càng lớn mạnh về quy mô, không ngừng nâng cao năng suất và sức cạnh tranh.

Ba là, cần phát huy tối đa khả năng phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả của cơ chế thị trường kết hợp với vai trò kiến thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế một cách bền vững của Nhà nước. Đổi mới mô hình tăng trưởng phải dựa trên thị trường và áp dụng các nguyên tắc thị trường, kể cả trong trong quản lý nhà nước. Nhà nước khắc phục thất bại thị trường đồng thời phân bổ các nguồn lực do Nhà nước nắm giữ cũng phải theo nguyên tắc thị trường.

Bốn là, chú trọng nâng cấp chuỗi giá trị các ngành, thúc đẩy tăng năng suất nội ngành bên cạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Động lực tăng trưởng dần phải được tiếp dẫn bởi khả năng gia tăng giá trị gia tăng của các ngành thông qua sự dịch chuyển lên vị trí cao hơn của chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu và sự dịch chuyển dần sang các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức cao hơn.

Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới được trình bày rõ nét hơn khi so sánh 2 mô hình tăng trưởng “cũ” và “mới” theo Bảng 1.   

Các nhóm giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới

Đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới yêu cầu tiếp tục và mở rộng những nỗ lực chính sách thời gian qua (3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế) một cách mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và hiệu quả hơn. Cụ thể các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc cho mô hình tăng trưởng mới. Các giải pháp thuộc nhóm này bao gồm cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong đó tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; củng cố và phát triển hệ thống tài chính tín dụng lành mạnh, tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách căn bản và triệt để, phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng hơn; điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhất là chính sách điều chỉnh các loại giá, phí do nhà nước quản lý.

Đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 4
Thứ hai, các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bao gồm những giải pháp trực tiếp và gián tiếp. Giải pháp trực tiếp là hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động trong suốt chu kỳ từ khi thành lập đến rút khỏi thị trường, phát triển các loại thị trường đầu vào cho sản xuất và thị trường hoàng hóa và dịch vụ một cách đồng bộ. Giải pháp gián tiếp là thúc đẩy đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. 

Thứ ba, đổi mới vai trò, chức năng của nhà nước từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, trong đó, nhấn mạnh vai trò kiến tạo để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập. Theo đó, vai trò kiến tạo phải được thể hiện rõ hơn và hiệu quả hơn ở các khía cạnh phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tạo lập bình đẳng về cơ hội và kiến tạo phát triển bền vững.

Đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững - Ảnh 5
Thứ tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực do Nhà nước phân bổ hoặc tham gia phân bổ như đầu tư công, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản để nâng cao hiệu quả đầu tư công; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, giao quyền tự chủ đầy đủ đi đôi với giao trách nhiệm rõ ràng cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập...

Thứ năm, nâng cấp chuỗi giá trị trong phát triển ngành đối với cả 3 ngành, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Các chính sách công nghiệp cần phải được kết hợp, điều phối một cách chặt chẽ và đồng bộ để có hiệu quả cao và đạt được mục tiêu cụ thể trong nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Trong đó, chú trọng các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng.      

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2016), Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2011-2015;

2. Viện Năng suất Việt Nam (2016), Báo cáo Năng suất Việt Nam;

3. CIEM (2012), Ma trận hạch toán xã hội của Việt Nam năm 2000;

4. CIEM (2016), Ma trận hạch toán xã hội của Việt Nam năm 2012;

5. CIEM (2016), Một số chủ trương, chính sách đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế;

6. Vũ Minh Khương (2015), Thúc đẩy tăng năng suất - Cách tiếp cận chiến lược để đẩy mạnh cải cách kinh tế ở Việt Nam.