Liên kết vùng trong phát triển bền vững du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ


Thời gian qua, vấn đề liên kết vùng trong phát triển bền vững du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ được chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm, quá trình thực hiện cho thấy nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc chỉ đạo của đơn vị chủ trì, trách nhiệm của các địa phương triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ chưa thực sự hiệu quả; Việc phối kết hợp, liên kết vùng đối với phát triển du lịch vùng chưa rõ ràng. Bài viết này nghiên cứu thực trạng thực hiện liên kết vùng, đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp liên quan đến thực hiện liên kết vùng nhằm phát triển bền vững du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng thực hiện pháp luật trong liên kết vùng phát triển bền vững du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

Việc thực hiện chính sách pháp luật về liên kết du lịch vùng Bắc Trung Bộ được phản ánh thông qua các hoạt động liên kết gắn với từng lĩnh vực cụ thể gồm: Thực hiện chính sách pháp luật về liên kết phát triển sản phẩm du lịch; Liên kết tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch; Liên kết xây dựng đồng bộ hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông; Liên kết huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển du lịch chung của Vùng.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tập trung ở hoạt động liên kết trong đánh giá các tài nguyên du lịch của các tỉnh, tiến tới xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của không gian liên kết. Nội dung này thể hiện trong việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, triển khai Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thời gian qua, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ đã chủ động tổ chức đón khách du lịch, làm việc và ký kết hợp tác với các đoàn Farmtrip trong và ngoài nước. Thông qua các chương trình khảo sát, tọa đàm, kết nối... các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước đã đánh giá cao khả năng kết nối, hợp tác du lịch của các tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình.

Đối tượng tham gia liên kết gồm các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, các đơn vị lữ hành. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: Các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hình thành tổ chức bộ máy phối hợp chung trong xây dựng chiến lược và phát triển sản phẩm du lịch cụm liên kết 4 tỉnh gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đối với công ty cung ứng dịch vụ du lịch, công ty lữ hành: Năm 2020, toàn vùng có 234 đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và lữ hành.

Trên cơ sở liên kết, bước đầu đã hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính liên vùng dựa trên kết hợp giữa sản phẩm du lịch các địa phương trong Vùng. Điển hình chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng "Con đường di sản miền Trung", "Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững" nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương, tạo sức hút với khách du lịch.

Liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch

Các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hình thành tổ chức bộ máy phối hợp chung gồm Ban chỉ đạo (lãnh đạo cấp tỉnh), Tổ thường trực (Lãnh đạo cấp Sở) và Tổ giúp việc (lãnh đạo và cán bộ cấp phòng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc một số tỉnh là Sở Du lịch) và cơ chế họp 1 - 1 - 2 (Ban chỉ đạo du lịch họp 1 kỳ/năm; Tổ thường trực họp 1 kỳ/năm, Tổ giúp việc họp 2 kỳ/năm). Ban chỉ đạo hoạt động theo cơ chế trưởng ban điều hành luân phiên nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác trong năm và xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo, có sự tham gia của Tổng cục Du lịch.

Để thúc đẩy các hoạt động liên kết phát triển du lịch, các tổ công tác phát triển du lịch tại từng tỉnh cũng đã được thành lập, gồm: Tổ công tác phát triển sản phẩm du lịch, tổ công tác marketing, tổ công tác phát triển nguồn nhân lực. Công tác xúc tiến thành lập hiệp hội du lịch tại các địa phương cũng đã được thực hiện. Trong những năm qua, các địa phương đã chủ động phối hợp tham gia tổ chức các gian hàng quảng bá du lịch tại các sự kiện du lịch lớn.

Liên kết xây dựng tuyến, chương trình du lịch

- Liên kết trong quy hoạch tuyến du lịch liên vùng: Việc xác định tuyến du lịch mang tính liên vùng phụ thuộc vào sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; đồng thời, có sự đồng hành tham gia của công ty cung ứng dịch vụ du lịch, công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú... Các nội dung này thể hiện qua các văn bản ký kết giữa các bên tại các hội nghị liên kết của vùng Bắc Trung Bộ.
- Liên kết về xây dựng chương trình, điểm đến, hệ thống dịch vụ và chính sách vận hành: Đối với các đơn vị trong cùng một hệ thống, có mạng lưới rộng khắp cả nước và vùng, các chương trình du lịch, điểm đến, hệ thống dịch vụ và chính sách vận hành có sự nhất quán và đồng bộ. Đối với các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú độc lập ở Bắc Trung Bộ, mức độ liên kết nhìn chung còn hạn chế do các đơn vị này ít chia sẻ lợi nhuận cho nhau trong quá trình hoạt động.

- Hoạt động liên kết hỗ trợ trao đổi tour, hướng dẫn trao đổi nhân viên: Trong một số trường hợp, nhằm hỗ trợ nhau và tạo thuận tiện hoạt động, một số đơn vị lữ hành có liên kết trong việc hỗ trợ trao đổi tour, trao đổi nhân viên.

Liên kết huy động vốn đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng du lịch

Kênh huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước: Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho đường giao thông kết nối với các khu du lịch quốc gia, đường giao thông ven biển, đường cấp điện cho các khu du lịch. Trong Vùng, hệ thống vận tải đường bộ giữ vai trò chủ đạo, chiếm 90% thị phần vận tải, các phương thức khác chỉ đảm nhận thị phần nhỏ (hàng không 2,2% hành khách), đường sắt (4,49% hành khách).

Kênh huy động vốn vốn từ khu vực tư nhân: Nguồn đầu tư tư nhân cho phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2011-2018 có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9,75%/năm, với tổng mức vốn đầu tư đạt 15.794 tỷ đồng. Xét theo các địa phương trong Vùng, tỉnh Nghệ An có tổng mức vốn đầu tư tư nhân cho du lịch cao nhất đạt 5.527 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế đạt 5.125 tỷ đồng; Quảng Bình và Quảng Trị mỗi tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Kênh huy động vốn từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trong gian đoạn 2010-2018, vùng Bắc Trung Bộ có 27 dự án đầu tư cho du lịch từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Trong đó, Thừa Thiên Huế có 17 dự án, Hà Tĩnh có 7 dự án, Quảng Bình có 2 dự án và Quảng Trị có 1 dự án, Thanh Hóa và Nghệ An không thu hút được dự án đầu tư nước ngoài. Về tổng mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thừa Thiên-Huế đạt cao nhất là 271,03 triệu USD, chiếm 92% tổng số vốn đầu tư nước ngoài trong Vùng.

Một số kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế

Kết quả đạt được

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương liên kết vùng trong phát triển du lịch, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đạt những kết quả tích cực như:

Một là, nâng cao nhận thức về liên kết phát triển du lịch. Các địa phương trong Vùng đã bước đầu xây dựng được nền tảng phương hướng hợp tác phát triển du lịch, tạo ra hành lang pháp lý cho các tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của địa phương.

Hai là, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao. Việc liên kết du lịch giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ bước đầu góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành mối liên kết du lịch mang tính liên vùng và tạo điều kiện mở rộng liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, vùng với các trung tâm du lịch và các địa phương trong nước, tạo cầu nối liên kết du lịch với các nước trong khu vực.

Ba là, chính sách về xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm. Chính sách này đã thúc đẩy công tác quy hoạch, định vị thị trường, xác định hướng thu hút đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất chuyên ngành, các chương trình hợp tác phát triển du lịch đã được thực hiện việc xây dựng các cơ chế thu hút đầu tư về du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch một cách thống nhất.

Bốn là, các chương trình liên kết đã bước đầu kết nối không gian du lịch vùng Bắc Trung Bộ, khắc phục sự chia cắt về du lịch trong từng địa phương.

Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách liên kết vùng trong phát triển bền vững du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Chưa xây dựng được chính sách ràng buộc trên phạm vi toàn Vùng. Các hoạt động liên kết chủ yếu dựa vào cơ chế hội nghị, chưa có cơ chế tạo sự liên kết, thực hiện các cam kết phối hợp. Các cam kết giữa các địa phương và doanh nghiệp thiếu tính pháp lý ràng buộc, chủ yếu dựa vào tính tự nguyện và nhận thức của các bên.

- Chưa có một văn bản pháp lý nào đề cập tới việc thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm để điều phối hoạt động chính quyền cấp vùng và giao thẩm quyền cho cơ quan này.

- Quản lý nhà nước về du lịch còn một số bất cập. Luật Du lịch năm 2017, quy hoạch đầu tư phát triển, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã thực hiện và cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn.

- Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch còn bất cập, thiếu đồng bộ. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với sử dụng hình ảnh ngôi sao gắn tại cơ sở lưu trú du lịch, trên các ấn phẩm, biển quảng cáo, biển hiệu, đồ dùng đã được công nhận chưa được quy định cụ thể…

Đề xuất, kiến nghị

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các nội dung sau:

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý theo hướng khuyến khích liên kết vùng tốt hơn; Đồng thời, có cơ chế theo dõi, giám sát quá trình điều phối, thực thi liên kết vùng trong Vùng.

Thứ hai, cần có cơ chế tài chính huy động các nguồn lực cho hoạt động xúc tiến du lịch chung 6 tỉnh; Cơ chế phối hợp đảm bảo chặt chẽ, liên tục, hiệu lực thi hành cao. Cần có Ban điều phối liên kết du lịch các tỉnh để triển khai nhiệm vụ, trao đổi, thống nhất kế hoạch.

Thứ ba, có cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức về phát triển du lịch Vùng, nhằm đảm bảo tính liên tục và hiệu lực thi hành, tổ chức bộ máy xúc tiến du lịch.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch một cách thường xuyên, liên tục với sự tham gia gắn kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các tỉnh, cơ quan quản lý và doanh nghiệp lữ hành.

Thứ năm, chính quyền mỗi địa phương và cả Vùng cần bố trí kinh phí dành cho các hoạt động du lịch thông qua ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong nước và ngoài nước.

Tóm lại, để đạt được mục tiêu liên kết vùng phát triển bền vững du lịch Bắc Trung Bộ (nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay) cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng tạo điều kiện để các địa phương trong các Vùng liên kết phát huy được tiềm năng, lợi thế du lịch; đồng thời, coi liên kết Vùng là một trong những khâu đột phá để phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (2011 - 2020), Báo cáo thực trạng phát triển du lịch các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các năm 2011-2020;
  2. Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình ngày 26/02/2016;
  3. Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch (2013), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.

* ThS. Lê Thị Tịnh, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.