Liên tục duy trì cải tiến năng suất, chất lượng để phát triển bền vững
Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất đã và đang là giải pháp quan trọng giúp không ít doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh. Việc này cần liên tục duy trì để đảm bảo phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Hai thập niên qua, nhờ Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, không ít doanh nghiệp đã được hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất tiên tiến.
Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất, chất lượng tiên tiến.
Đồng thời, đơn vị này cũng hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương để chia sẻ, nhân rộng.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp xây dựng, vận hành các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng khác nhau. Những hệ thống, công cụ này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi doanh nghiệp thực hành theo các cách thức khác nhau. Ví dụ như áp dụng riêng lẻ hệ thống quản lý, công cụ năng suất, chất lượng hoặc tích hợp nhiều hệ thống quản lý với nhau; kết hợp hệ thống với công cụ…
Tuy nhiên, tựu trung lại, hầu hết doanh nghiệp khi áp dụng thành công các hệ thống, công cụ cải tiến đều thu về không ít lợi ích thiết thực.
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hệ thống tiêu chuẩn, công cụ như: ISO, Lean, Kaizen, 5S... giúp cải thiện năng suất từ 15 - 20%.
Doanh nghiệp thu kết quả bất ngờ
Ví dụ, doanh nghiệp điển hình thành công trong cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng có thể kể tới như Công ty TNHH Thời trang Star. Thời gian qua, doanh nghiệp này tích cực triển khai chương trình Kaizen. Một trong những phương thức khi áp dụng chương trình Kaizen là tối ưu hiệu suất làm việc thông qua các phần mềm quản lý 4.0.
Tất cả công việc được quản lý trên một hệ thống chung duy nhất, bao gồm tất cả các yếu tố nhỏ nhất như deadline, miêu tả công việc, file đính kèm, nhãn dán phân loại… nên giảm thiểu tối đa rủi ro sai sót trong quá trình thực hiện. Doanh nghiệp không còn tình trạng quên việc như cách giao nhận bằng miệng, qua chat, excel, email…
Hơn nữa, doanh nghiệp có thể xây dựng sẵn các mẫu cho dự án công việc khác nhau, nhân bản chúng lên để bắt đầu triển khai và sử dụng chính kinh nghiệm đó để tối ưu liên tục.
Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát cũng cũng thu về kết quả bất ngờ khi áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. Hòa Phát đã tiên phong trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các nhà máy sản xuất của Tập đoàn này đều được kiểm soát theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015.
Tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất thép theo công nghệ lò cao khép kín đều được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến khi sản phẩm đầu ra tiếp tục trải quá quá trình nghiêm ngặt một lần nữa trước khi đưa ra thị trường.
Đặc biệt, các sản phẩm xuất khẩu của Thép Hòa Phát hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như JIS GS3505:2004, JIS G3112:2010 (Nhật Bản), BS 4449:2005 (Anh Quốc), ASTM A615 (Hoa Kỳ).
Thực tế cho thấy, ngoài Hòa Phát, hiện nay các công ty trong ngành Thép đều đã và đang rất nỗ lực trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm nhằm hướng tới thị trường quốc tế, nâng cao vị trí cạnh tranh. Để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy thế mạnh và chú trọng tiếp cận khoa học, bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến cáo, sau khi đã đạt được những thành công nhất định trong cải tiến năng suất, chất lượng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu duy trì các biện pháp trong dài hơi để đảm bảo sự phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt.