Vì sao năng suất lao động của Việt Nam còn thấp?
Có nhiều nguyên nhân khiến năng suất lao động của kinh tế Việt Nam thấp như: nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý…
Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Giai đoạn 2016 - 2020, năng suất lao động bình quân hàng năm của Việt Nam tăng 6,05%, cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm 4,53% của giai đoạn 2011 - 2015, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW, khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 cao hơn 5,5%.
Trong khi đó, vào giai đoạn 2021 - 2025, trong 3 năm 2021 - 2023, tốc độ tăng năng suất lao động đều thấp hơn mục tiêu được Quốc hội thông qua hàng năm.
Bình quân 3 năm 2021 - 2023, năng suất lao động tăng 4,3%/năm, thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Để đạt mục tiêu năng suất lao động giai đoạn 2021 - 2025 tăng 6,5%, thì năng suất lao động hai năm 2024 - 2025 phải tăng 9,8%.
Theo các chuyên gia năng suất, chất lượng, năng suất lao động của kinh tế Việt Nam thấp là do nguồn nhân lực còn nhiều bất cập.
Lao động trong khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng cao trong lực lượng lao động của toàn nền kinh tế, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở mức thấp, cơ cấu đào tạo không hợp lý, thiếu lao động có tay nghề cao. Cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Không những thế, Việt Nam chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.
Đặc biệt, toàn bộ hệ thống chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của năng suất lao động, chưa khẩn trương xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia trung và dài hạn về nâng cao năng suất lao động với các chính sách và giải pháp đột phá...
Trước thực trạng năng suất lao động nước ta còn thấp, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Cụ thể như: Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới.
Chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta...