Liệu có “sức bật” mới về tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm?
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, với tình hình kiểm soát dịch, bệnh tốt như hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và ngành Ngân hàng, dự kiến, trong những tháng cuối năm 2020, diễn biến tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Ở phương án thận trọng, con số tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 8%; ở phương án lạc quan hơn, con số đó có thể đạt khoảng 10%.
Những dự báo trên của các chuyên gia kinh tế là hoàn toàn có cơ sở, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang đưa ra nhiều biện pháp chủ động điều chỉnh nới room cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có sức khỏe tài chính tốt, hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thay vì áp một mức chung cứng nhắc.
Hé mở những “điểm sáng” trong cung ứng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng từ nửa cuối tháng 8 đến nay đã phục hồi trở lại và hé mở những “điểm sáng”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, nếu như 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 3,65% thì đến ngày 16/9/2020 con số này là 4,81%. Trong đó, dư nợ một số ngành ưu tiên như xuất khẩu tăng khoảng 5%, nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 4,5%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 3,5%...
“Một số TCTD đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng tín dụng trở lại, nhiều nhu cầu vốn mới đã xuất hiện. Đây được xem là tín hiệu tốt, báo hiệu một sức bật mới về tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhận định.
Nhìn lại chặng đường tăng trưởng tín dụng kể từ sau Tết Nguyên đán 2020 (cuối tháng 01/2020) có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, dẫn tới tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng thấp so với cùng kỳ các năm trước, dù các TCTD đã nỗ lực đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, quy mô lớn.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp kích cầu. Ngành Ngân hàng cũng đã chủ động và sớm triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và ngành Ngân hàng, các chuyên gia kinh tế dự báo, diễn biến tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Ở phương án thận trọng, con số tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 8%; ở phương án lạc quan hơn, con số đó có thể đạt khoảng 10%.
Theo đó, NHNN chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với khách hàng; xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Mặt khác, NHNN cũng đã khẩn trương nghiên cứu, ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động điều chỉnh nới “room” cho các TCTD có sức khỏe tài chính tốt, hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thay vì áp một mức chung cứng nhắc…
Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng?
Thực tế cho thấy, dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN, các TCTD đã quyết liệt triển khai các giải pháp hữu hiệu, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ với khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, đến ngày 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 271.548 khách hàng với dư nợ là 321.407 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 484.939 khách hàng với dư nợ là 1.177.581 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với trước khi có dịch, nhưng nhu cầu tín dụng giảm vẫn còn là một thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm. Đến thời điểm này, chúng ta đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh, nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn đang bùng phát, khó đoán định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên tinh thần vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế trong tình trạng bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện để khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, để đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tín dụng và sẵn sàng xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tập trung vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi kết thúc dịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch theo tinh thần tại Văn bản số 5596/NHNN-VP ngày 04/8/2020; Đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và vay mới nhưng không hạ chuẩn, không nới lỏng điều kiện tín dụng, đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng...
Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và ngành Ngân hàng, các chuyên gia kinh tế dự báo, diễn biến tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Ở phương án thận trọng, con số tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 8%; ở phương án lạc quan hơn, con số đó có thể đạt khoảng 10%.