Có nên “ép” tăng trưởng tín dụng?
Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, song tín dụng vẫn tăng trưởng èo uột do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu.
Lãi suất giảm trên cả hai thị trường
Thống kê về thị trường tài chính tiền tệ trong tuần từ 22/6 đến 26/6 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) công bố cho biết, lãi suất liên ngân hàng trong tuần tiếp tục giảm qua các phiên. Chốt phiên ngày 26/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức 0,19% đối với kỳ hạn qua đêm, không thay đổi so với tuần trước đó; 1 tuần là 0,28%, giảm 0,03 điểm %; 2 tuần là 0,39%, giảm 0,04 điểm %; 1 tháng là 0,66%, giảm 0,15 điểm %.
Sở dĩ lãi suất liên ngân hàng giảm do thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào. Bằng chứng là mặc dù NHNN đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 3,0%; song không có khối lượng trúng thầu ở cả 5 phiên. Hiện cũng không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Thanh khoản ngân hàng dồi dào là cơ hội để nhiều ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ lãi suất huy động nhằm duy trì mức lợi nhuận hợp lý trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay đã được các nhà băng cắt giảm mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đơn cử VietinBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,45%/năm so với tháng 5. Chẳng hạn, kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm; từ 6 tháng trở lên đến 9 tháng giảm về mức 4,9%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm.
Hay như Vietcombank cũng điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất huy động tại kỳ hạn 3 tháng, còn 4,25%/năm, giảm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4%/năm.
Tương tự, BIDV chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 9 tháng ở mức 5,1%/năm, các kỳ hạn còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm so với tháng trước.
Theo thống kê, các NHTM đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,3 - 0,5% trong tháng 6 và giảm tổng cộng 0,6 - 1,3% kể từ đầu năm đến nay.
Tín dụng vẫn ì ạch
Không chỉ lãi suất huy động mà mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã giảm khá mạnh so với đầu năm. Mặc dù vậy, tín dụng vẫn tăng trưởng khá ì ạch. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, tính đến 29/6 tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,26%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, sở dĩ tín dụng tăng trưởng ì ạch dù lãi vay giảm là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu khi mà đã có một lượng lớn doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường do không vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Quả vậy số liệu thống kê cho thấy, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong nửa đầu năm nay lên tới 56,2 nghìn doanh nghiệp, trong khi lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ là 62 nghìn. “Chính lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường này đã kéo nhu cầu tín dụng giảm mạnh. Trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ là trên giấy, chứ chưa đi vào hoạt động nên chưa phát sinh nhu cầu tín dụng”, vị chuyên gia trên nói.
Chưa hết, có không ít doanh nghiệp trong số còn trụ lại được cũng không thể tiếp cận được tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện tín dụng mà các ngân hàng đưa ra. “Có doanh nghiệp vẫn còn nợ vay ngân hàng chưa trả, tài sản cũng đang được thế chấp để đảm bảo cho các khoản nợ trước đó; số khác lại lại thiếu tài sản thế chấp, không chứng minh được dòng tiền trả nợ trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn do dịch bệnh... nên không thể vay được vốn mới”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết thêm, các ngân hàng lo nợ xấu nên rất thận trọng trong việc cho vay.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến lo ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà NHNN đề ra cho năm nay có khả năng bị “phá sản”. Tuy nhiên, theo một quan chức NHNN, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này chỉ mang tính định hướng chứ không phải là quy định bắt buộc và sẽ được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến của nền kinh tế.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng chỉ dưới 5%. Vì thế, tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 9-10% sẽ là phù hợp. “Không nên ép tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, bởi điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cũng như tạo sức ép lạm phát trong năm tới”, vị chuyên gia nói trên khuyến nghị.