Tốc độ tăng trưởng tín dụng chính sách gấp 4 lần
Sáng nay (15/7), tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hội nghị là sự kiện chính trị quan trọng với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu trong nước và quốc tế tại điểm cầu Trung ương và trên 1.200 đại biểu tại các điểm cầu địa phương.
Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, từ sau khi Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của toàn hệ thống đạt 31,3%, tăng khoảng 4 lần so với giai đoạn trước.
Tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đến ngày 30/6/2020 đạt 19.505 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng này không lũy tiến đều hơn 5 năm qua mà là kết quả của một cuộc vận động chuyển biến từ tư duy nhận thức đến cách làm sáng tạo của các địa phương với tín dụng chính sách xã hội, với sự góp công không nhỏ của từng cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, với trên 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Doanh số cho vay từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Vốn chính sách cũng góp phần giúp trên 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động; giúp trên 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Gần 346 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác vay, gắn việc đánh giá chất lượng tín dụng chính sách xã hội với việc đánh giá, xếp loại hàng năm của tổ chức, đơn vị.
Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đang nghiên cứu xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội giai đoạn 2021-2030.
Ngân hàng Chính sách Xã hội nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan phù hợp với thực tiễn, phát huy vai trò một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.