TP. Hồ Chí Minh:
Liệu có “xóa sổ” được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng?
Hàng nghìn công trinh vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh mỗi năm đang là áp lực lớn cho các cơ quan chức năng Thành phố trong việc giải quyết, xử lý triệt để tình trạng này.
Sẽ giảm 50% số vụ vi phạm qua từng năm
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm trên địa bàn Thành phố lại xuất hiện hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Và trước những vấn đề này, UBND. Thành phố đã phải ra văn bản yêu cầu các sở ngành, quận, huyện đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, phấn đấu kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm qua từng năm.
Cũng theo Sở Xây dựng, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phức tạp, nhất là tại những quận huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh.
Theo thống kê “nếu như năm 2017 có 2.860 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày); năm 2018 có 2.420 công trình (6,6 vụ vi phạm/ngày). Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân từ đâu?
Liên quan tới công tác quản lý và nguyên để tình trạng nêu trên, trao đổi với báo chí, đại diện Sở Xây dựng cho rằng: nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhu cầu nhà ở của người nhập cư, người có thu nhập thấp gia tăng qua các năm. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư.
“Ngoài ra, nhiều công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép còn do sự sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị tại địa phương” - đại diện Sở Xây dựng cho biết.
Cụ thể, tình trạng xây dựng trái phép, sai phép… bùng nổ trên địa bàn Thành phố thời gian gần đây là do thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng vọt, làm phát sinh tình trạng mua, bán và xây dựng trên đất nông nghiệp, phân lô trái phép ở địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành. Song song đó là do sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương, chưa làm hết trách nhiệm, hoặc trình độ chuyên môn còn hạn chế. Ngoài ra cũng không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn chưa cao, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền lại rất lớn, mà các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên một số đối tượng trục lợi vẫn cố tình vi phạm. Do đó, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong xây dựng, Sở Xây dựng TP đã phải lập kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở và các quận huyện bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 11. Cụ thể, Sở và các quận huyện đã phối hợp thực hiện thí điểm ở những địa phương có tình trạng vi phạm xây dựng như: huyện Bình Chánh, quận 9, Thủ Đức là một vị điển hình- đại diện Sở Xây dựng cho biết.
Trước đó, ngày 30/10/2019, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh có báo cáo gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về kết quả kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến cán bộ quận Thủ Đức vi phạm trật tự xây dựng. Và qua rà soát, cơ quan này nhận thấy chủ đầu tư các công trình vi phạm tại hẻm số 419, Khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng (xây dựng không phép) và sử dụng đất không đúng mục đích.
Các hành vi này đã được UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức phát hiện và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện quyết định còn chậm trễ, chưa đầy đủ và thiếu kiên quyết dẫn đến công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng (hiện trạng đang được cho thuê để làm nhà xưởng).
Đáng chú ý, qua rà soát, kiểm tra phát hiện ông Lê Hữu Thành - Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân đã xây dựng 7 công trình không phép tại hẻm 419, Kha Vạn Cân, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh. Khu đất này do ông Lê Ngọc Lớn (cha ruột ông Lê Hữu Thành) đứng tên trên giấy chứng nhận. Đến nay, ông Lớn chưa sang nhượng, tách thửa cho các con.
Tháng 5/2019, lãnh đạo quận mới nhận được thông tin về 7 công trình không phép của ông Lê Hữu Thành và người thân. Qua báo cáo của Công an quận Thủ Đức, UBND phường Hiệp Bình Chánh dự kiến cưỡng chế công trình xây dựng tại nhà ông Lê Hữu Thành ngày 17/5/2019.
Thế nhưng việc này chưa đảm bảo quy định pháp luật và chưa báo cáo UBND quận. Do đó, Thường trực Quận ủy - Thường trực UBND quận đề nghị UBND phường Hiệp Bình Chánh tạm dừng việc thực hiện cưỡng chế và thực hiện báo cáo quận để xem xét, chỉ đạo.
Sau khi dư luận lên tiếng về tình trạng xây dựng trái phép, táng 7/2019, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn. Sau kế hoạch này các quận huyện đã bắt đầu “mạnh tay” với các trường hợp xây dựng sai phạm. Điển hình là vụ sai phạm trong xây dựng của một lãnh đạo tại quận Thủ Đức, đến nay 7 công trình vi phạm đã bị tháo dỡ để làm gương cho các quận huyện khác triển khai. |