Liệu EU có cấm vận dầu khí của Nga?
Đã xuất hiện rất nhiều bất đồng quan điểm giữa các quốc gia thành viên EU về việc liệu khối này có nên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga hay không.
EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp nặng nề chống lại Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương nước này.
Tuy nhiên, nhắm mục tiêu vào xuất khẩu năng lượng của Nga, như Mỹ và Anh đã làm, sẽ là một hành động gây chia rẽ các quốc gia thành viên, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Một số thành viên muốn EU quyết liệt hơn đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn trước tiến độ đàm phán của các ngoại trưởng tại Brussels.
"Tại sao châu Âu lại cho Nga thêm thời gian để kiếm tiền từ dầu khí? Thêm thời gian để sử dụng các cảng của châu Âu? Thêm thời gian để sử dụng các ngân hàng của Nga ở châu Âu? Đã đến lúc chúng ta phải hành động", Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis nói trên Twitter.
Một nhà ngoại giao khác cho biết, vào tháng 6, EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế để xem xét nghiêm túc lệnh cấm vận dầu khí.
Dù vậy, Đức và Hà Lan vẫn cho rằng EU đang quá phụ thuộc vào dầu khí của Nga và không thể tự cắt đứt ngay bây giờ.
"Câu hỏi về một lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, mà là vấn đề chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ như thế nào", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên.
"Đức đang nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga, nhưng cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu từ ngày này sang ngày khác", bà nói Baerbock nói.
Các nhà lãnh đạo EU cho biết nhiều biện pháp trừng phạt tiềm năng khác đang được thảo luận, bao gồm chặn khả năng tiếp cận các quỹ ủy thác, thêm những cái tên mới vào danh sách trừng phạt, ngăn chặn tàu thuyền Nga cập cảng EU và cắt giảm quyền truy cập của nhiều ngân hàng hơn vào hệ thống SWIFT.
Tất cả những điều này sẽ được thảo luận lại vào thứ Năm tuần nay, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Brussels để đàm phán với thành viên của NATO, EU và G7 bao gồm cả Nhật Bản.
Nhưng nhiều nước vẫn cảnh báo rằng năng lượng là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất vì mỗi quốc gia EU đều có những giới hạn riêng.
Khi các nước Baltic muốn có lệnh cấm vận dầu mỏ, thì Đức và Ý, những nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga, lại đang phản đối điều đó.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt đối với than đá sẽ là ranh giới đỏ đối với một số nước, bao gồm Đức, Ba Lan và Đan Mạch, trong khi đối với những quốc gia khác, chẳng hạn như Hà Lan, dầu là không thể chạm đến.
Bản thân Moscow cũng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt như vậy có thể khiến nước này phải đóng đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu.