"Liều thuốc trợ lực" cho các nền kinh tế vùng Vịnh

Hà Lâm (Báo Nhân dân)

Giá dầu mỏ tăng cao thời gian qua đã trở thành "liều thuốc trợ lực" cho các nền kinh tế vùng Vịnh vốn phụ thuộc nguồn thu từ dầu mỏ. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây công bố báo cáo đánh giá triển vọng vị thế tài khóa của các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ ở mức ổn định trong khoảng 12-18 tháng tới nhờ sản lượng và giá dầu mỏ cao hơn.

Một cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Ảnh Reuters.
Một cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Ảnh Reuters.

Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 60% và hiện giao dịch quanh ngưỡng hơn 80 USD/thùng khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu dần phục hồi. Dầu mỏ đóng góp khoảng 70% vào tổng thu ngân sách của sáu nước GCC gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Qatar, Kuwait (Cô-oét), Bahrain (Ba-ren) và Oman. Ðiều này khiến giá "vàng đen" cao hơn tác động đối với tình hình tài chính khu vực. Moody’s cho rằng, Qatar và UAE sẽ trở lại thặng dư ngân sách, Oman và Saudi Arabia sẽ thâm hụt ngân sách ở mức dưới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi mức thâm hụt tương ứng của Bahrain và Kuwait sẽ được thu hẹp nhờ giá dầu cao hơn.

Trong bối cảnh giá "vàng đen" đã phục hồi trở lại mức trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, đồng thời sản lượng dầu mỏ dần tăng lên, vị thế tài khóa của các nền kinh tế GCC sẽ được củng cố, cho dù bảng cân đối ngân sách của một số chính phủ vẫn ở mức yếu hơn so với trước đại dịch. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế GCC giàu dầu mỏ sẽ tăng từ 300 - 350 tỷ USD trong vòng ba năm tới.

Chuyên gia phân tích của Moody’s cho biết, tình hình tài chính của các chính phủ GCC vẫn phụ thuộc đáng kể vào sự biến động của nhu cầu tiêu thụ và giá dầu toàn cầu. Trong khi đó, Moody’s lưu ý rằng, căng thẳng địa chính trị vẫn là yếu tố rủi ro hàng đầu tại khu vực, cho dù đã xuất hiện một số tín hiệu ổn định thời gian gần đây.

Ðể tránh phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ đồng thời thực hiện các cam kết về giảm khí phát thải, các nước vùng Vịnh bắt đầu mở rộng đầu tư phát triển năng lượng sạch. UAE cũng cho biết sẵn sàng đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở châu Phi. Vào tháng 10/2021, UAE công bố kế hoạch đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với khoản đầu tư khổng lồ lên tới 163,3 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Moody’s, lộ trình giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ vẫn sẽ diễn ra từ từ, trong khi các sáng kiến hạn chế tác động của biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Các nước vùng Vịnh kỳ vọng ở một tương lai sáng hơn khi năm 2022, ngành khai thác dầu mỏ toàn cầu được dự báo sẽ khôi phục hoàn toàn công suất khi ngành hàng không nối lại hoạt động đầy đủ. Ðây là nhận định mới được ông Amin Naser (A.Na-xơ), Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia.

Ông Naser cho rằng, hiện công suất khai thác dầu mỏ toàn cầu đang bị giảm từ 3-4 triệu thùng/ngày so với công suất thực tế để giúp cân bằng các thị trường trong bối cảnh nhu cầu giảm. Tuy nhiên, theo ông Naser, khoảng trống trên sẽ được lấp đầy, nhất là vào năm tới khi nhu cầu dầu mỏ tăng nhanh hơn. Chỉ riêng việc ngành hàng không khôi phục nhu cầu nhiên liệu cho các máy bay cũng sẽ giúp lấp đầy khoảng trống này.

Hiện nhu cầu nhiên liệu máy bay đang thấp hơn khoảng 3 triệu thùng/ngày so với thời điểm năm 2019 khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát. CEO của Saudi Aramco dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ vượt mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dự định nâng công suất tối đa lên mức 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, thêm 1 triệu thùng/ngày so với hiện tại, và đây là cơ hội để quốc gia giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh tăng nguồn thu ngân sách.