Lĩnh vực ngân hàng tuần qua có gì đặc biệt?

T. Huyền (t/h)

Tuần qua (từ ngày 1-7/4/2019), lĩnh vực ngân hàng đón nhận nhiều thông tin, quy định mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại những thông tin đáng chú ý.

NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường. Nguồn: internet
NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường. Nguồn: internet

Lãi suất vay ưu đãi nhà xã hội là 4,8%/năm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 335/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi Nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua Nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý Nhà ở xã hội trong năm 2019 là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Hạn chế cho vay ngoại tệ

Tại buổi họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, 2019 là năm NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường.

Thời gian qua, xuyên suốt các giải pháp điều hành luôn tạo sự khuyến khích VND, NHNN cũng đã hướng tới thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán.

Điều này được thể hiện ở Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Theo Thông tư, sau ngày 30/9/2019, cá tổ chức tín dụng sẽ dừng cho vay ngoại tệ đối với những khoản vay trung và dài hạn.

Các tổ chức tín dụng được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Thời điểm vay đến hết ngày 31/3/2019.

Ngân hàng được đánh giá xếp hạng theo 6 tiêu chí

Ngày 1/4/2019, Thông tư số 52/2018/TT-NHNN về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực và áp dụng để xếp hạng từ năm 2019.

Theo đó, hệ thống tiêu chí được sử dụng để xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm: vốn (C); chất lượng tài sản (A); quản trị điều hành (M); kết quả hoạt động kinh doanh (E); khả năng thanh toán (L).

Quy định mới cũng đã bổ sung thêm tiêu chí về mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (S) vào hệ thống tiêu chí xếp hạng và đã mở rộng đối tượng xếp hạng thay vì chỉ xếp hạng đối với ngân hàng thương mại cổ phần như hiện hành.

Căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp vào một trong các hạng: tốt (A), khá (B), trung bình (C), yếu (D) hoặc yếu kém (E).

Quý I/2019, dự trữ ngoại hối vượt mốc 65 tỷ USD

NHNN cho biết, trong quý I/2019, tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định và NHNN đã mua ròng ngoại tệ, với số lượng mua vào khoảng 2,5 tỷ USD, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia vượt mốc 65 tỷ USD. Ứớc tính quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng khoảng gấp hai lần trong ba năm qua, cải thiện rõ nét một nguồn lực chủ động của quốc gia.

Quy mô mua vào được NHNN công bố cũng gấp nhiều lần so với mức thặng dư thương mại của Việt Nam đạt được trong quý đầu năm 2019. Điều này cho thấy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thành công trong định hướng chuyển hóa và kích thích nguồn lực ngoại tệ trong dân cư và nền kinh tế, thay vì bị găm giữ thường thấy trong nhiều năm trước.