Lĩnh vực tài chính ngân hàng đón cơ hội từ blockchain
Công nghệ blockchain được kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực cho hoạt động tài chính ngân hàng nhờ khả năng đột phá về công nghệ, giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch của các dịch vụ, giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại độ bảo mật cao.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ứng dụng công nghệ blockchain ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong 3 năm 2014- 2016, trên thế giới có 1,4 tỷ USD được đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain và 90 ngân hàng trung ương đang quan tâm xem xét công nghệ này. Năm 2017, 80% ngân hàng đã khởi động các dự án về blockchain.
Cuộc đua nhanh hơn, an toàn hơn
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết công nghệ blockchain hiện đang được phát triển và ứng dụng tại Việt Nam không hề thua kém thế giới.
“Hiện nay, blockchain đang được ứng dụng ở một số lĩnh vực như: nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế… Tuy nhiên, sắp tới, công nghệ mới này sẽ áp dụng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, trở nên vô cùng quen thuộc và cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam”, ông Quang nhận định.
Riêng lĩnh vực ngân hàng, blockchain hiện ứng dụng trên nền dịch vụ điện toán đám mây giúp tạo ra một cơ sở hạ tầng linh hoạt và tối ưu hóa các hoạt động công nghệ thông tin trên nhiều trung tâm dữ liệu của ngân hàng.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết việc áp dụng công nghệ điện toán đám mây sẽ đảm bảo tính minh bạch nhờ khả năng lưu trữ thông tin, dữ liệu giao dịch trong các chuỗi khối được liên kết chặt chẽ, không thể sửa đổi thông tin trong dữ liệu đã lưu, giảm thiểu rủi ro gian lận trong giao dịch, giảm chi phí và đặc biệt có tính bảo mật cao…, nhờ đó mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích vượt trội, thuận tiện trong giao dịch, tiết kiệm thời gian chi phí.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một số ít ngân hàng đã ứng dụng điện toán đám mây, còn lại mới chỉ có kế hoạch triển khai.
Tại một hội thảo về công nghệ 4.0 ngành tài chính-ngân hàng gần đây, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định hệ thống ngân hàng buộc phải đổi mới và tích hợp các công nghệ mới nếu không muốn bị loại ra khỏi “cuộc chơi”.
“Mô hình ngân hàng truyền thống đang dần trở nên lạc hậu như việc chuyển tiền qua ngân hàng phải trải qua quá nhiều trung gian khiến quá trình trở nên chậm chạp và không hiệu quả. Nhiều người tiêu dùng không hài lòng với thực trạng này. Để cạnh tranh, các ngân hàng sẽ phải nâng cấp dịch vụ của mình để nhanh hơn và an toàn hơn”, một chuyên gia cho hay.
Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã từng bước chuyển đổi sang xu thế công nghệ số bằng việc cung cấp các dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking…
Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động ngân hàng vẫn đang là thách thức đối với nhiều nhà băng khi triển khai mô hình công nghệ mới này.
Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho biết trên thực tế vẫn còn những rào cản đối với ứng dụng điện toán đám mây ở Việt Nam, đó là nhận thức về công nghệ này chưa đầy đủ và tâm lý ngại chuyển đổi do đã quá quen với mô hình cũ.
Ngoài ra, các ngân hàng cần độ bảo mật cao, nên thường chọn mô hình đám mây riêng (Private cloud), việc đầu tư một đám mây này tốn rất nhiều chi phí và đầu tư con người có đủ năng lực để vận hành.
Còn nhiều thách thức
Theo ông Phan Thái Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ tin học (Ngân hàng Nhà nước): “Xây dựng đám mây không khó, nhưng việc quản trị sẽ là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần có tổ chức công nghệ thông tin hoạt động chuyên nghiệp, nhân lực được đào tạo bài bản, các quy trình được chuẩn hóa. An ninh bảo mật điện toán đám mây phải được tiếp cận từ góc độ quản lý rủi ro”.
Hiện nay, các ngân hàng thường chọn cách thuê sử dụng dịch vụ điện toán đám mây – thuê theo các gói tương ứng với nhu cầu sử dụng nhiều hay ít và trả tiền theo nhu cầu đã dùng để giảm chi phí.
Tuy nhiên, hình thức này gây những rủi ro cho người sử dụng dịch vụ, bởi dịch vụ điện toán đám mây hiện chưa có quy định cụ thể về hành lang pháp lý như trong quá trình truy cứu về trách nhiệm khi sự cố xảy ra.
Ông Dũng khuyến cáo: “Khi thuê dịch vụ ngoài, các ngân hàng nên cân nhắc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, bảo đảm tính bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu hoạt động liên tục của các hệ thống”.
Dưới góc độ đơn vị sử dụng công nghệ điện toán đám mây, lãnh đạo một nhà băng cho hay, các ngân hàng tại Việt Nam khi ứng dụng điện toán đám mây vào hoạt động sẽ đối diện nhiều khó khăn, thách thức về an ninh dữ liệu, độ tin cậy của khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ và việc thay đổi môi trường hoạt động công nghệ thông tin cần thận trọng.
Hiện nay, khách hàng cũng chưa thật sự hiểu được tính bảo mật của điện toán đám mây, nhiều người còn e ngại khi cung cấp các dữ liệu cá nhân của mình, của doanh nghiệp, tổ chức cho người khác nắm giữ, quản lý.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, nhiều dịch vụ ngân hàng truyền thống sẽ không còn phù hợp, bởi khách hàng sẽ chọn dịch vụ mang tính công nghệ để trải nghiệm những tiện ích, thuận lợi, vì vậy ngân hàng nào sớm đón đầu xu hướng sẽ giành chiến thắng.