Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý III
Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp niêm yết chịu thua lỗ nặng trong quý III/2021.
Đại dịch COVID-19 kéo dài là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết thua lỗ nặng trong quý III/2021. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng tiêu cực là doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không và hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng không.
Đứng đầu trong danh sách chịu thua lỗ nặng quý III/2021 là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (HOSE: ACV) khi lỗ ròng đến hơn 856,4 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực cũng thua lỗ. Cụ thể, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST) báo lỗ hơn 43 tỷ đồng; CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCOM: NCS) lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng trong quý III/2021 - đây là quý thứ 6 liên tiếp đơn vị này kinh doanh thua lỗ; hay CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) lỗ ròng gần 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 5 tỷ đồng.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) đứng thứ 2 khi lỗ ròng 181,3 tỷ. Lũy kế 9 tháng, HNG lỗ 303,6 tỷ đồng, và cách rất xa với kế hoạch lãi 16 tỷ đồng.
Xếp ở vị trí tiếp theo là CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) với mức lỗ ròng 159,5 tỷ đồng – con số thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của PNJ. Công ty cho biết trong tháng 7 và tháng 8 đã phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện giãn cách xã hội.
CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HOSE: QBS) cũng lỗ ròng gần 97 tỷ đồng trong quý III/2021 do trong kỳ tiến hành trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính đối với khoản vay ngắn hạn. Tương tự PNJ, Đây cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử niêm yết của QBS.
CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) là đại diện thép duy nhất trong top 20 doanh nghiệp thua lỗ kỳ BCTC quý III/2021. Cụ thể, VIS lỗ 92 tỷ đồng trong riêng quý vừa qua, kéo lợi nhuận lũy kế 9 tháng xuống -18,8 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đầu ra của sản phẩm thép gần như đóng băng. Cả hai nhà máy luyện phôi và cán thép đều có những khoảng thời gian phải dừng hoạt động, phát sinh lỗ chi phí cố định.
Một gương mặt đáng chú ý khác là CTCP Chứng khoán Bảo Minh (UPCOM: BMS). Tính riêng quý III/2021, BMS lỗ đến 38,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ lỗ 28 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến KQKQ suy giảm chủ yếu đến từ mảng tự doanh của BMSC. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 29 tỷ đồng; trong khi phần lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL xấp xỉ 78 tỷ đồng - xuất phát từ việc đánh giá tài sản tài chính.
Lĩnh vực bất động sản ghi nhận CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) lỗ gần 59 tỷ đồng, trong kỳ cùng kỳ vẫn lãi ròng gàn 7,3 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp công ty báo lỗ. CEO giải trình nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận giảm là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Một cái tên đáng chú ý khác là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (HOSE: KBC). Do chi phí tài chính tăng đột biến, cao hơn 100 tỷ so với cùng kỳ năm trước, lên tới 178 tỷ đồng, KBC ghi nhận lỗ ròng 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 lỗ gần 9 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, KBC lãi sau thuế 733 tỷ, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước nhưng chỉ mới hoàn thành 36,65% kế hoạch năm.
Ngoài các đơn vị trên, thống kê của Nhadautu.vn chỉ ra nhiều đơn vị khác chịu thua lỗ trong quý III/2021, như CTCP Ánh Dương Việt Nam (HOSE: VNS) lỗ 91,2 tỷ đồng; CTCP Xây dựng số 9 (HNX: VC9) lỗ 76,4 tỷ đồng; CTCP Tasco (HNX: HUT) lỗ 72,8 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) lỗ 56,8 tỷ đồng; CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (HOSE: SVC) lỗ 50,7 tỷ đồng….